Thời gian gần đây, xảy ra việc người dân tìm đến cái chết để phản đối quyết định của tòa án. Lợi dụng việc này, một số đối tượng bất mãn, phản động, cấu kết một số đài nước ngoài liên tục có những bài viết, video clip phát trên mạng xã hội nhằm kích động người dân, "bôi đen" nền tư pháp, nói xấu chế độ ta.
Chúng rêu rao rằng, một vài vụ tử tự của ông A, ông B là do "bị dồn ép đến đường cùng", hoặc họ muốn chết để "cảnh tỉnh" chế độ... Trước những vụ việc như vậy, cơ quan Tư pháp càng cần phải nâng cao bản lĩnh, không bị thông tin "nhiễu" tác động, thể hiện rõ tính độc lập của hệ thống tư pháp.
Ông M.V.H. là bị cáo trong vụ án "Cố ý gây thương tích", bị TAND huyện Phú Riềng xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Không đồng ý với mức án này, bị hại đã có đơn kháng cáo đề nghị tăng mức hình phạt đối với M.V.H..
Ngày 12/8, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên tòa phúc thẩm giữ nguyên mức hình phạt như án sơ thẩm, nhưng không cho M.V.H được hưởng án treo. Ngày 24/8, ông M.V.H. đi cùng một số người đến TAND tỉnh Bình Phước gây rối và đòi uống thuốc trừ sâu tự vẫn nhằm gây áp lực với tòa án. Lực lượng bảo vệ đã kịp thời can thiệp, ông MV.H. được đi cấp cứu nên sức khỏe đã ổn định.
Vậy có phải Tòa án đã xử oan sai, "dồn" ông M.V.H. vào con đường cùng quẫn phải tìm đến cái chết như giọng điệu của các đối tượng phản động và thù địch hay không? Tìm hiểu vụ án cho thấy, trong một bữa tiệc cưới, ông M.V.H. đã có hành vi khiếm nhã với một phụ nữ nên anh S. người nhà của người phụ nữ đó đã can thiệp. Sự việc được mọi người can ngăn đã xong.
Bực tức vì chuyện này, M.V.H. về nhà cầm theo một con dao, một cái kéo để trả thù anh S.. Thấy anh S. đang ngồi ở bàn nhậu, M.V.H. từ phía sau đâm vào lưng anh S. gây thương tích 15% sức khỏe. Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Bình Phước cho rằng, Tòa sơ thẩm TAND huyện Phú Riềng xử cho M.V.H. được hưởng án treo là chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, vì bị cáo sử dụng hung khí nguy hiểm, dễ gây sát thương, lại lén tấn công bị hại từ phía sau. Hành vi này thể hiện sự coi thường sức khỏe, tính mạng người khác nên cần phải cách ly khỏi xã hội bằng một bản án tù giam.
Như vậy, ông M.V.H. không bị oan, việc ông cùng người nhà đến tòa án để gây rối, sau đó ông M.V.H. đòi uống thuốc trừ sâu tự tử là nhằm gây sức ép với cơ quan Tư pháp để không phải chấp hành hình phạt tù. Một số luật sư cho rằng, việc Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Bình Phước áp dụng hình phạt giam với ông M.V.H là đúng pháp luật.
Cũng nhằm gây sức ép như cách làm của ông M.V.H., đối tượng N.T.K. dùng máy xúc ủi sập nhà kho bằng thép tiền chế của một doanh nghiệp, vì cho rằng nhà kho này được dựng trên đất bồi thường không hợp lý cho gia đình N.T.K.. Hành vi hủy hoại tài sản này đã bị TAND TP Cần Thơ tuyên phạt 9 tháng tù giam về tội "Cố ý làm hư hỏng tài sản".
Trước ngày phải chấp hành án phạt tù, N.T.K. đã uống thuốc trừ sâu tự tử, nhưng đã được cấp cứu nên không đe dọa đến tính mạng. Một tờ báo địa phương đã có bài viết với nội dung nghi ngờ N.H.T.K. đã "diễn" trò tự tử để không phải thi hành án. Bởi theo thông tin từ bài viết, hôm đó N.H.T.K. uống rượu cả ngày, đến tối thì vào phòng tắm uống một ngụm hóa chất rồi nhả ra ngay. Sau đó người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu?
Thực tế cho thấy, có những vụ việc nhiều người do thiếu hiểu biết pháp luật dẫn tới nhận thức chủ quan, cho rằng mình bị oan, mình bị xử sai hoặc có trường hợp suy đoán thiếu cơ sở, cho rằng mình là nạn nhân của "tiêu cực", "nhũng nhiễu" nên mặc dù đã được cơ quan chức năng kết luận, trả lời khiếu kiện nhiều lần, song vẫn không chấp thuận, tự cho mình là "dân oan" để khiếu nại kéo dài, khi không thỏa mãn thì có những hành vi manh động, gây mất an ninh trật tự.
Theo chúng tôi, người dân gặp phải những khúc mắc không nên chọn cách tiêu cực để gây áp lực với cơ quan Tư pháp. Bởi tính mạng con người là quý giá nhất. Nếu có căn cứ thuyết phục cho rằng cơ quan chức năng giải quyết không đúng pháp luật; có oan, sai thì phải có đơn khiếu nại để bảo vệ công lý, lẽ phải cho bản thân, việc chọn tự sát không giúp cho bản thân và gia đình mình được minh oan.
Đối với cơ quan Tư pháp, trong những vụ việc mà đương sự có phản ứng tiêu cực hoặc có sức ép từ dư luận thì hơn lúc nào hết, người thực thi công lý càng phải thể hiện được bản lĩnh; biết lắng nghe cái đúng, nhưng cũng cần phải giữ được nguyên tắc nghề nghiệp là thượng tôn pháp luật, không bị bất cứ một thông tin, sức ép nào làm nhụt ý chí, dẫn tới làm sai pháp luật.
Đặt vấn đề như vậy không phải là "bất chấp dư luận" mà là để chủ động giải quyết, biết lắng nghe, phát hiện tình tiết mới; xem xét, giải quyết một cách thấu đáo. Kịp thời phát hiện những sai sót, không đúng pháp luật nếu có trong quá trình tố tụng để sửa sai, đừng đợi để người dân có phản ứng tiêu cực thì mới xem xét lại.
"Cây ngay không sợ chết đứng" - khi đã làm đúng lương tâm, trách nhiệm và bổn phận thực thi pháp luật của mình, thì dù kẻ xấu có cố tình bôi bẩn cũng không thể xuyên tạc, đánh lừa được nhận thức của nhân dân.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét