18 tháng 3, 2019

Về bài viết "Cảnh giác với chiêu bài bảo vệ nước mắm truyền thống"

Mấy ngày qua, trên mạng facebook xuất hiện trang "Ban Tuyên Giáo Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam" đưa bài "Cảnh giác với chiêu bài bảo vệ nước mắm truyền thống" với những thông tin sai sự thật nhằm phục vụ lợi ích cá nhân. Bài viết đã tác động tiêu cực đến nhà sản xuất, người lao động và người tiêu dùng.

Trước sự việc này, ông Trần Thanh Lâm, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương - cho biết trang "Ban Tuyên Giáo Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam" là giả mạo, và khẳng định Ban Tuyên giáo trung ương hiện không có bất kỳ trang facebook nào để chia sẻ thông tin. Người dùng facebook cần lưu ý để tránh hiểu sai vấn đề.


Cũng tương tự, vừa qua, chủ Facebook Đầm bầu thời trang mami với mục đích câu like, tăng tương tác bán hàng đã đăng tải nội dung thông tin, hình ảnh sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Chiều 11-3, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho biết, chủ tài khoản fanpage Đầm bầu thời trang Mami đã bị mời lên làm việc xung quanh thông tin trên.

Tại buổi làm việc, chủ tài khoản fanpage Đầm bầu thời trang Mami nhận thức rõ hành vi đưa thông tin không chính xác về DTLCP. Bà này cũng cho biết đã gỡ bỏ nội dung và gửi thông tin đến các đối tác thông báo nội dung đã đăng là không đúng sự thật. Đồng thời đăng tải thư xin lỗi những người theo dõi trên trang này. Đại diện Đầu bầu thời trang Mami đã ký nhận biên bản thừa nhận các hành vi sai phạm, chấp nhận bị xử phạt hành chính. Theo quy định hiện nay thì mức phạt cao nhất là 20 triệu đồng.

Như vậy, việc tung tin đồn thất thiệt thông qua mạng xã hội vì bất cứ lý do gì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung, mức độ hậu quả nghiêm trọng của việc tung tin đồn gây ra cho dư luận, tình hình an ninh trật tự, xã hội, con người… sẽ có hình thức và mức xử lý tương ứng về hành chính, dân sự, hình sự.

Điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện việc tung tin đồn thất thiệt vì mục đích tư lợi. Các cơ quan chức năng cũng đã từng xử lý đối với những hành vi vi phạm tương tự này. Tại Việt Nam, số lượng người sử dụng mạng xã hội ngày càng gia tăng, chủ yếu trong độ tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên, còn rất nhiều người sử dụng mạng xã hội vẫn chưa nhận thức rõ tính nghiêm trọng khi đăng tải thông tin chưa được kiểm chứng sẽ gây bức xúc trong dư luận, có thể tác động xấu đến tình hình an ninh chính trị đất nước. Từ sự việc trên cho thấy kiến thức về pháp luật cũng như tính răn đe, nghiêm minh xử lý các vi phạm thông tin sai sự thật cũng đang là 1 lỗ hổng lớn hiện nay.

Để ngăn chặn triệt để vấn nạn này dư luận đòi hỏi phải xử lý thật nghiêm nhằm mang tính răn đe đối với những hành vi tương tự có thể xảy ra. Tuy nhiên không chỉ trông chờ vai trò của các cơ quan chức năng mà còn đòi hỏi bản thân mỗi người khi tham gia mạng xã hội cần nâng cao nhận thức, có trách nhiệm đối với mỗi hành vi, phát ngôn của mình thông qua việc lên tiếng phản biện, ngăn chặn hoặc không tiếp tay phát tán trước những thông tin “độc” hiện nay.

Bùi Hạnh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét