Lâu nay những tiết sinh hoạt nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường đã được ngành giáo dục chú trọng hơn nhưng hiệu quả đạt được chưa như kỳ vọng.
Theo TS Đinh Văn Minh- Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học thanh tra - Thanh tra Chính phủ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường hiện nay là giáo dục làm sao để các em biết lên án, tố cáo hành vi xấu, bảo vệ mình và bạn bè trước những điều sai. Nhìn vào những vụ việc gần đây tại các trường học, có thể thấy rằng, các em chưa thực sự hiểu về luật để bảo vệ quyền của bản thân, cũng như lên án cái xấu.
Chẳng hạn, trong vụ việc cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng tại Hải Phòng, các em chưa dám phản ứng với điều chưa đúng. Học trò đa phần sợ thầy cô giáo, giáo dục một chiều, cô bảo gì, trò làm nấy. Cô bắt trẻ uống nước giặt giẻ lau bảng trò cũng uống, thậm chí về không dám kể lại với người thân. Chỉ đến khi có một bạn trong lớp nói ra, mọi việc mới được làm rõ.
Tương tự, một học sinh hứng chịu 231 cái tát từ các bạn học trong lớp và cô giáo là câu chuyện của cả một tập thể lớp 24 em học sinh không một ai dám trái lời cô, đều phải lần lượt từng bạn một tát bạn học của mình. Ai không tát hoặc tát nhẹ sẽ bị tát lại. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu vụ việc diễn ra mà hình phạt phản giáo dục này đã được cô giáo áp dụng nhiều lần nhưng các bạn trong lớp đều không kể với gia đình sau đó.
Giá như các em được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rằng trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan như luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có những điều khoản về quyền bất khả xâm phạm về thân thể thì chắc chắn sẽ không có những sự việc đau lòng như vậy xảy ra.
TS Vũ Thu Hương - Giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, nhiều vụ bạo lực học đường hiện nay bắt nguồn từ việc thiếu hiểu biết pháp luật. Nếu như cô giáo hiểu rằng việc đề ra “luật” mỗi bạn trong lớp tát bạn “hư” 10 cái là vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của học sinh thì sẽ hạn chế được tình trạng này xảy ra. Hoặc trong những tình huống nóng giận, cô giáo nghĩ đến hậu quả của những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo nghiêm trọng có thể bị khởi tố... thì chắc chắn sẽ kiềm chế được mà không “xuống tay”.
Bên cạnh việc nâng cao ý thức pháp luật, TS Vũ Thu Hương cho rằng, cần nhấn mạnh đến các biện pháp để nâng cao kiến thức, kỹ năng và đạo đức nhà giáo thông qua việc tham gia các lớp tập huấn. Là một chuyên gia giáo dục thường kêu gọi giáo viên đi học các lớp nâng cao kỹ năng điều khiển trẻ, kỹ năng làm việc với phụ huynh, kỹ năng giáo dục trẻ không dùng bạo lực... “Giáo viên không cảm thấy việc tập huấn ảnh hưởng đến công việc của họ. Cần có chế tài bắt buộc giáo viên phải đi học, phải tham gia học một cách thật sự, thi thật sự thì lúc đấy tay nghề họ mới thực sự được nâng cao” - TS Vũ Thu Hương đề xuất.
Thu Hương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét