Khá “Bảnh”, “thánh chửi” Dương Minh Tuyền không phải là những trường hợp đầu tiên cho thấy văn hóa thể hiện lòng yêu mến, hâm mộ một cách kì quặc và lệch lạc trong giới trẻ hiện nay. Những giá trị ảo trên mạng, suy cho cùng chính do cộng đồng mạng tạo ra.
Cách đây vài hôm trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia một nữ sinh múa quạt theo kiểu múa quạt của Khá “Bảnh” đã gây dư luận trái chiều. Kì thực, kiểu múa quạt đơn giản và cũng chẳng có gì là nghệ thuật đó, không hề có lỗi. Nữ sinh múa quạt cũng chẳng hề có lỗi khi ngẫu hứng múa theo. Điều gây dư luận trái chiều, chính là vì nó gắn với nhân vật Khá “Bảnh”.
Dư luận cũng chia làm ba, bảy loại. Những dư luận nghiêm túc, là luồng dư luận chủ đạo của xã hội, không đồng tình với những mẫu hình “người hùng” lệch lạc hay “thần tượng” kì quặc như Khá “Bảnh” và “thánh chửi” Dương Minh Tuyền.
Khá “Bảnh” có tiền án tiền sự, vừa bị bắt vì liên quan đến đánh bạc và tổ chức đánh bạc, còn dương tính với ma túy. Dương Minh Tuyền cũng từng bị tạm giữ, nổi tiếng… nhờ chửi. Chửi thề nói tục, chửi người vô tội vạ, hành vi manh động.v.v…, đó là những cách để trở thành “giang hồ mạng” hay những “người hùng” lệch lạc trên không gian mạng như Ng.S, Ng.Ng.T, Ng.T.T… hiện nay.
Những “thánh chửi” ấy, được cái “ngửi mùi” rất nhanh những việc cần làm để lấy lòng một lượng người trẻ “hâm mộ” bằng cách đi làm từ thiện. Và chính những sự tinh ranh ấy, đã lôi kéo được một lượng “fan” là giới trẻ nhận thức còn chưa chín chắn, đặc biệt là những thanh niên mới lớn ở vùng nông thôn a dua theo, như kiểu Dương Minh Tuyền đi làm từ thiện chụp ảnh đăng lên trang cá nhân cứ như người hùng về làng vậy.
Những “người hùng” hay “thần tượng” ấy, họ quên một điều rất cơ bản rằng sau những vết đen ra tù vào khám, sau những hành xử lệch chuẩn và thiếu văn hóa, cái chính để hoàn thiện mình chính là tu thân, sống đàng hoàng để trở thành một con người thiện lương và công dân mẫu mực có ích cho xã hội. Chứ không thể dùng vài việc làm từ thiện hay đăng Clip chạm đến thị hiếu tức thời của một số cộng đồng trẻ là đủ biến họ trở thành người tốt, người nổi tiếng.
Chỉ một mình những Khá “Bảnh” hay “thánh chửi” Dương Minh Tuyền, cũng chỉ là một vài con én không thể làm nổi mùa xuân. Vấn đề là cái giá trị ảo những người này ngộ nhận và theo đuổi lại được một số cộng đồng mạng những người trẻ tán dương biến những “thần tượng ảo” càng ảo tưởng về chính mình.
“Hố đen” trong thị hiếu theo đuổi những mẫu thần tượng của không ít người trẻ hiện nay đã lệch chuẩn, lệch lạc đến mức gây hệ lụy cho chính họ. Những người trẻ gào thét thậm chí khóc ngất vì không được gặp mặt hay chạm áo thần tượng âm nhạc của mình đã từng diễn ra.
Một giọng ca nghe không nổi lại được công kênh như hiện tượng L.R một thời. Hay một B.T “quẩy” kiểu hở hang trơ trẽn rồi quay clip tung lên Facebook chỉ để làm nổi, PR cho bản thân… Tất nhiên, những “người hùng”, “thần tượng” ấy cũng biết cách sắm sửa, thậm chí đi đâu còn có cả vệ sĩ tỏ vẻ như yếu nhân nhưng lại được những nhóm dư luận tán thưởng.
Hãy cứ nhìn trường hợp L.R hay B.T, rồi cũng phai nhòa trong kí ức cư dân mạng nói chung và cuối cùng phải đi tìm một công việc phù hợp với trình độ, khả năng của chính mình để kiếm sống. Tuổi thọ của những “người hùng” lệch lạc hay “thần tượng” ảo ấy ngắn ngủi lắm, bởi đơn giản nó không mang lại giá trị thực có ích cho xã hội.
THẾ LÂM
0 nhận xét:
Đăng nhận xét