27 tháng 10, 2018

Tín dụng đen - hệ lụy kinh hoàng và những điều nên biết

Cũng giống như nhiều địa phương khác, tín dụng đen đang bùng phát ở Quảng Ninh, không chỉ đẩy nhiều người vào cảnh tán gia bại sản, mà còn dẫn đến những hệ lụy như giết người, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng…

Đòi nợ kiểu… xã hội đen

Vào ngày 18-9, người dân phát hiện tại rãnh thoát nước giáp QL18A, thôn 3, xã Cẩm Hải, TP Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) có một xác người đàn ông. Sau khi khám nghiệm hiện trường, tử thi, cơ quan Công an xác định nạn nhân là anh Phạm Văn Phú, 33 tuổi, trú tại thôn Cặp Tiên, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh).

Nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh Phạm Văn Phú được cơ quan chức năng điều tra làm rõ bắt nguồn từ việc vay nợ. Cụ thể ngày 22-6, anh Phú có vay 50 triệu đồng tại quán cầm đồ Hoàng Anh của Vũ Hoa Vinh (35 tuổi, ở tổ 111, khu 10B, phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả) với thời hạn trả trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên đến hạn, anh Phú không trả cho Vinh và có dấu hiệu bỏ trốn. Sau đó, Vinh đã nhiều lần cùng đồng bọn gọi điện và đến nhà hàng của gia đình anh Phú đe dọa đòi tiền. Đến chiều 14-9, Vinh cùng một số đối tượng đi tìm bắt Phú để đánh dằn mặt gây sức ép trả nợ.

Mâu thuẫn trong quá trình vay mượn, con nợ ra tay phóng hỏa đốt cháy chiếc xe ôtô.
Khi biết thông tin về địa điểm Phú ở nhà nghỉ Hồng Ninh, nhóm đối tượng này đã dùng xe ôtô đến bắt con nợ. Vinh cùng đồng bọn đội mũ trùm kín đầu cầm theo dao nhọn đe dọa, khống chế vợ chồng chủ nhà nghỉ, đập phá cửa phòng bắt bằng được Phú đưa đi. Sau đó Vinh đã chỉ đạo đồng bọn đưa Phú đến khu vực bãi đất trống thuộc tổ 1, khu Nam Sơn 2, phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả tổ chức hành hung, bỏ mặc nạn nhân bất tỉnh rồi lên xe đi về.

Cùng ngày hôm đó, Vinh gọi đồng bọn quay lại khu vực đất trống kiểm tra thấy Phú đã tử vong liền đưa xác lên xe bán tải đưa đến địa điểm khác phi tang. Đến nay Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố bắt 4 đối tượng về hành vi giết người và bắt giữ người trái pháp luật, đồng thời truy lùng gắt gao kẻ chủ mưu Vũ Hoa Vinh và những đối liên quan khác còn lại trong băng nhóm cho vay nợ lãi và hành xử con nợ theo kiểu “xã hội đen”.

Trước đó vào đầu tháng 9 vừa qua, trên địa bàn TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) cũng đã xảy ra vụ việc chủ hiệu cầm đồ cùng đồng bọn bắt giữ hành hung dã man con nợ. Khi lực lượng Công an kiểm tra hành chính nhà nghỉ Len Ly 2, do Phạm Quang Đạt, 30 tuổi, ở phường Cao Xanh làm chủ, phát hiện Nguyễn Thành Tân, 27 tuổi, cùng trên địa bàn có nhiều vết bầm tím trên mặt. Tân khai nhận bị Đạt cùng đồng bọn bắt giữ nhiều giờ liền và đánh gây thương tích.

Nguyên nhân vụ việc được điều tra làm rõ là do trước đó Tân đi thuê chiếc xe ô tô Kia Cerato BKS 14A-302.44, sau đó vờ là xe của mình mang đến vay của Đạt số tiền 100 triệu đồng. Khi biết mình bị lừa, Phạm Quang Đạt đã rủ thêm một số đối tượng bắt giữ giam lỏng Tân trong nhà nghỉ và hành hung gây sức ép đòi nợ.

Hay trước đó, Công an TP Móng Cái bắt giam đối với Hoàng Đức Cường, 33 tuổi, ở xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng và Nguyễn Huy Du, 35 tuổi, ở phường Trần Phú, TP Móng Cái, về hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản.

Cơ quan Công an điều tra xác định Du có cho một người Trung Quốc vay số tiền gần 100 triệu đồng nhưng không đòi được. Sau đó Du đến cửa hiệu cầm đồ trên đường Tô Hiệu, phường Ka Long gặp một số nhân viên đặt vấn đề nhờ bắt giữ con nợ và thỏa thuận ăn chia nếu đòi được. Khi phát hiện con nợ, Du cùng đồng bọn bắt giữ đưa về nhà mình buộc viết giấy nhận nợ…

Nhiều chiêu trò lách luật

“Vay không cần thế chấp", "Thủ tục đơn giản, nhận tiền mặt nhanh" là thông tin dán khắp nơi trên tường, tại các cột điện ở gần khu dân cư, trường học... Người vay chỉ cần gọi điện sẽ có nhân viên tư vấn với khoản vay cả trăm triệu đồng cực kỳ đơn giản. Đại tá Thái Hồng Công, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay tín dụng đen không chỉ tồn tại dưới vỏ bọc là các cửa hiệu cầm đồ, mà còn tồn tại dưới dạng công ty, doanh nghiệp, dịch vụ hỗ trợ tài chính.

Không những hoạt động ngầm, phức tạp hơn, các đối tượng trong tỉnh còn câu kết móc nối giữa các đối tượng tỉnh ngoài đến địa phương hoạt động. Và một khi đã tìm đến tín dụng đen, thì người vay thường rơi vào tình trạng… sống dở, chết dở, đến khi mất khả năng trả nợ, bị chủ nợ thúc ép thì nhiều người không dám trình báo lên cơ quan chức năng. Do vậy, việc điều tra và bắt giữ các đối tượng gặp rất nhiều khó khăn.

Chỉ ra các chiêu trò lách luật, đại tá Thái Hồng Công cho biết trong các giấy vay tiền không bao giờ thể hiện lãi suất và chỉ thỏa thuận bằng miệng giữa các bên. Khi xảy ra tranh chấp hoặc rủi ro thì người dân không đến trình báo cơ quan chức năng, do vậy khi cơ quan Công an đến kiểm tra không có chứng cứ để chứng minh các cơ sở cho vay với lãi suất cao.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Công an tỉnh  Quảng Ninh đã phối hợp với Công an các huyện, thành phố tổ chức rà soát các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cầm đồ, đối tượng nghi vấn hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi trên địa bàn toàn tỉnh, xác định có 790 cơ sở kinh doanh. Nhiều địa phương như các TP Cẩm Phả, Móng Cái, Hạ Long, tập trung đến hàng trăm cơ sở cùng với nhiều đối tượng hình sự hoạt động liên quan đến tín dụng đen.

Vay tín dụng đen không chỉ là phải chịu lãi suất cắt cổ khiến nhiều người tán gia bại sản, mà còn dẫn đến những hệ lụy như giết người, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng... 

Đại tá Thái Hồng Công lưu ý, người dân có nhu cầu vay tiền nên tìm đến ngân hàng hoặc quỹ tín dụng nhân dân, không nên tìm đến các cơ sở cho vay nặng lãi. Trong trường hợp bị các đối tượng đe dọa đề nghị mọi người dân nên trình báo nên cơ quan Công an để có biện pháp xử lý kịp thời.

V.Huy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét