Điểm đầu tiên khá ấn tượng về kết quả tín nhiệm cao theo thứ tự thứ nhất và thứ nhì của Chủ tịch QH và Thủ tướng. Không biết trong con mắt người dân như thế nào, nhưng chí ít gần 500 vị ĐBQH tương đối thống nhất khi dành sự tín nhiệm cao cho hai chức danh này.
Tiếp đến là kết quả tín nhiệm thấp. 3 mức chính thức là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Mức tín nhiệm thấp theo thứ tự nhất thuộc về Bộ trưởng GD&ĐT, nhì là Bộ trưởng GTVT. Có vẻ như sự đánh giá này của các vị ĐBQH phù hợp với đa số ý kiến người dân.
Điểm thứ ba cần lưu ý chính là có sự nhất quán tương đối trong đánh giá. Anh xếp hạng thấp trong mục tín nhiệm cao thì ở mục tín nhiệm thấp anh cũng dẫn đầu. Các Bộ trưởng: GD&ĐT, GTVT, VH-TT&DL nằm trong tốp này.
Có vấn đề quan trọng được đặt ra là kết quả như vậy đã hoàn toàn khách quan và chính xác chưa? Câu trả lời có lẽ chỉ là tương đối. Tương đối khách quan, tương đối chính xác.
Tiêu chí để dựa vào đánh giá, xem xét mức độ tín nhiệm là kết quả thực hiện nhiệm vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chấp hành pháp luật, có biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, tài sản, thu nhập… Nếu không có gì đột xuất, thì về cơ bản các tiêu chí đều được coi là được. Cho nên, cuối cùng lại chủ yếu dựa vào tiêu chí kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Ít ra, đây là cái dễ nhìn nhất, dễ cảm nhận nhất khi đánh giá.
Là tư lệnh ngành, anh đã tham mưu, đề xuất được những chính sách gì đúng và phù hợp cho ngành, lĩnh vực hay là anh hoàn toàn thụ động trong câu chuyện này. Có thể chế, chính sách rồi thì việc theo dõi, kiểm tra việc thực hiện đến đâu… Đây là những điểm thường được chú ý trong đánh giá.
Cho dù là như vậy, trong lấy phiếu tín nhiệm vẫn có yếu tố “cá nhân” người đánh giá xen vào. Cho nên mục tín nhiệm cao thứ nhất, thứ nhì, rồi mục tín nhiệm cũng ngon lành, nhưng vẫn có điểm ở mục tín nhiệm thấp. Tín nhiệm cao đấy, đúng, nhưng cá nhân tôi không thiện cảm lắm, không thích lắm nên vẫn chấm vào ô tín nhiệm thấp. Xét về mặt lý thuyết sẽ có chức danh không thể có điểm ở mục tín nhiệm thấp và có chức danh điểm ở mục tín nhiệm thấp phải cao hơn nữa mới phù hợp.
Có bộ khó, bộ dễ hay không?
Cuối cùng là câu chuyện tác dụng của lấy phiếu tín nhiệm. Chắc chắn kết quả cho từng chức danh sẽ mang lại sự động viên. Thứ hạng cao trong mục tín nhiệm cao rõ ràng là sự đánh giá cao và như vậy là sự động viên để tiếp tục làm tốt nhiệm vụ của người được đánh giá trong tương lai. Rồi tác dụng cảnh tỉnh, nhắc nhở cho những vị có kết quả tín nhiệm chung cuộc là không tốt.
Tuy nhiên, còn khía cạnh khác của lấy phiếu tín nhiệm là thông qua kết quả để làm tốt hơn công tác bố trí cán bộ lãnh đạo trong tương lai. Qua mấy lần lấy phiếu tín nhiệm đã cho thấy gần như có tính quy luật, đó là nhóm Bộ trưởng: GD&ĐT, GTVT, VH-TT&DL, Nội vụ… thường rơi vào các bộ điểm thấp trong tín nhiệm.
Câu hỏi đặt ra là liệu có bộ khó và bộ dễ hay không, có bộ quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực quá nhạy cảm, quá phức tạp như giáo dục, y tế hay không? Từ câu trả lời những vấn đề này, từ tính quy luật vừa nêu buộc phải tính đến bố trí tư lệnh những ngành này trong tương lai cho thỏa đáng.
Có lẽ không có bộ dễ và bộ khó, bộ trưởng bộ nào cũng đều phải đương đầu với quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước, cũng đều phải tham mưu thể chế, chính sách đúng và phù hợp.
Bộ KH&ĐT là Bộ khó hay dễ? Lấy phiếu tín nhiệm năm 2014, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh ở mục tín nhiệm cao được 351, tín nhiệm thấp là 20; Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lần này đạt 162 ở mục tín nhiệm cao và 97 ở tín nhiệm thấp. Rõ ràng, vấn đề là tìm được người thích hợp để điều hành, chỉ huy từng bộ. Nói thích hợp tức là nói đến năng lực, trình độ, là bản lĩnh trong quản lý, chỉ huy của tư lệnh các ngành.
Hy vọng với kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này sẽ góp phần thực sự tích cực và tốt đẹp trong bố trí cán bộ lãnh đạo cho những năm tiếp theo, đặc biệt là cho Đại hội 13 sắp tới của Đảng.
(Nguồn: VNN)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét