7 tháng 8, 2021

Cần sớm quan tâm sửa chữa các chợ dân sinh truyền thông đã xuống cấp

Vừa qua, Báo Thanh tra nhận được đơn của công dân phản ánh các chợ do Nhà nước quản lý trên địa bàn Hải Phòng đã xuống cấp, không đảm bảo điều kiện hoạt động, nhưng vẫn được các cơ quan chức năng cho kinh doanh.

Để làm rõ nội dung phản ánh, phóng viên Báo Thanh tra có buổi làm việc với Sở Công thương và được ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Quản lý Thương mại cho biết: Cho đến thời điểm hiện nay, toàn thành phố có 158 chợ, trong đó có 1 chợ đầu mối; 6 chợ hạng 1, 16 chợ hạng 2; 135 chợ hạng 3 và chợ tạm; thu hút 12.362 hộ kinh doanh cá thể; chiếm 23,92% tổng số hộ kinh doanh cá thể, kinh doanh dịch vụ và thương mại trên địa bàn.

Do sự hình thành và phát triển chợ có lịch sử khá dài, hệ thống chợ thành phố phần lớn mang tính tự phát nên việc phân bổ mạng lưới chợ chưa hợp lý, không đều giữa các địa phương. Theo phân cấp quản lý các chợ hạng 2, hạng 3 do UBND các quận, huyện phê duyệt. Đối với các chợ hạng 1, chợ đầu mối do UBND thành phố phân hạng và phê duyệt.

Hiện nay, do lịch sử để lại, nhiều chợ hạng 1 vẫn thuộc quản lý của UBND các quận, huyện từ những năm 1980, 1990 như chợ Tam Bạc, chợ Ga, chợ An Dương, chợ Núi Đèo, chợ Trần Quang Khải.

Các chợ hạng 1 có tính chất kinh doanh phục vụ bán buôn cho thành phố, các chợ còn lại hoạt động chủ yếu theo hình thức chợ dân sinh, truyền thống, phục vụ và đáp ứng nhu cầu mua bán trao đổi tại các địa phương.

Qua quan sát của phóng viên Báo Thanh tra, trong chợ An Dương, chợ Tam Bạc, chợ Ga thuộc các quận Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền quản lý, mái chợ, tường bao và một số hạng mục quầy hàng nhiều chỗ đã xuống cấp, cần được đầu tư sửa chữa.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng ban Quản lý chợ quận Lê Chân cho biết: Ban quản lý 3 chợ An Dương, Đôn Niệm và chợ Con có 799 quầy, trong đó 572 quầy đang được các hộ kinh doanh bán hàng, còn 227 hộ đã thuê nhưng không kinh doanh bán hàng. Hiện nay, 3 chợ, hệ thống mái tôn, khung cột sắt đã bị xuống cấp, nhiều chỗ bị dột, không đảm bảo an toàn cho các hộ kinh doanh phía dưới; nhất là chợ Con có nơi thủng mái tôn do công trình lâu ngày chưa đươc đầu tư, sửa chữa.

Ban Quản lý chợ thực hiện cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ và tài chính cho đơn vị sự nghiệp công lập nên việc nâng cấp, cải tạo, sửa chữa vẫn còn ở mức độ hạn chế.

Về phòng cháy, chữa cháy, Ban Quản lý chợ tự trang bị máy bơm, thang, bình bọt, câu liêm, nhưng theo tiêu chí chợ kiểu mẫu thì vẫn chưa đủ tiêu chuẩn.

Từ năm 2005 đến nay, Ban Quản lý chợ vẫn thu phí dịch vụ mức giá do Nhà nước quy định, chưa thay đổi nên nguồn thu hạn chế nên không có kinh phí để sửa chữa, nâng cấp.

Ông Trần Thanh Xuân, Trưởng ban Quản lý chợ quận Hồng Bàng cho biết, ban có 47 nhân viên, đang quản lý 4 chợ Trần Quang Khải, chợ Tam Bạc, chợ Trại chuối, chợ Hòa Bình. Khi chưa có dịch COVID-19, mỗi tháng Ban Quản lý chợ thu từ 200-250 triệu đồng/tháng tiền cho các hộ kinh doanh thuê trong chợ.

Chợ Tam Bạc có tổng diện tích 4.500m2, trong đó thuê 3.500m2 đất của Công ty Kinh doanh nhà và 1.000m2 đất do quận quản lý. Giá cho thuê quầy mặt đường chợ Tam Bạc cao nhất là 450 nghìn đồng/m2, còn trong chợ có 30 nghìn đồng/m2. Chợ Tam Bạc có trên 700 quầy cho các hộ kinh doanh thuê, trong đó chỉ có trên 400 quầy đang được các hộ kinh doanh bán hàng, còn lại trên 300 quầy, các hộ kinh doanh đã thuê nhưng không kinh doanh bán hàng. Các mặt hàng bán trong chợ Tam Bạc thường bán vải, quần, áo, giầy, dép và một số mặt hàng thiết yếu, do hiện nay dịch bệnh COVID-19, các quầy bán hàng không thiết yếu đều đóng cửa không bán.

Từ năm 2018 đến nay, giá tiền thuê nhà của Công ty Kinh doanh nhà tăng lên 173 triệu đồng/tháng, trong khi giá tiền thuê cho các hộ kinh doanh trong chợ không thay đổi, vẫn thu theo giá cũ do thành phố ban hành. Vì thế, từ năm 2018, Ban Quản lý chợ chỉ trả được 48 triệu đồng/tháng tiền thuê nhà, phải nợ lại 125 triệu đồng/tháng. 4 năm nay nợ Công ty Kinh doanh nhà là 5,5 tỷ đồng tiền thuê nhà.

Ông Trần Thanh Xuân cho biết thêm: Các thiết bị về phòng cháy chữa cháy chợ Tam Bạc không đủ. Từ năm 2002 cho đến nay, chợ Tam Bạc chưa được Nhà nước đầu tư nguồn cho các chợ nên Ban Quản lý chợ không có nguồn tiền để sửa chữa. Do sử dụng lâu năm nên nhiều hạng mục trong chợ đã xuống cấp, khách hàng không đến, nhiều hộ bỏ quầy trong chợ không bán.

Trưởng phòng Quản lý Thương mại cho biết, nguyên nhân các chợ trên địa bàn nhiều năm nay chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp là do thành phố đã ban hành quy trình chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý kinh doanh khai thác chợ Nhà nước sang loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, theo Quyết định số 2977/2015/QĐ-UBND ngày 31/12/2015.

Thành phố cũng chưa ban hành quy chế hoạt động của Ban Chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý, kinh doanh khai thác chợ cấp thành phố và kế hoạch chuyển đổi chợ hạng 1, chợ đầu mối trên địa bàn.

Nguyên nhân chính do các đơn vị không chủ động trong việc phối hợp với Sở Công thương đề xuất các nhiệm vụ được giao trong quá trình triển khai thực hiện công tác chuyển đổi chợ.

UBND các quận, huyện chưa thực sự quyết liệt trong việc triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi các chợ hạng 2, hạng 3 trên địa bàn.

Việc chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý kinh doanh khai thác chợ còn nhiều bất cập liên quan đến xử lý tài sản công, liên quan đến trình tự thủ tục về đất đai.

Theo số liệu thống kê và báo cáo của các quận, huyện, đến hết năm 2020, các chợ đã thực hiện chuyển đổi, giao doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý theo Quyết định số 2977/2015/QĐ-UBND, gồm 7 chợ, cụ thể: Chợ Hạ Lũng, chợ Phục Lễ, chợ Tú Sơn, chợ Nam Hưng, chợ Bắc Hưng, chợ Đầm, chợ Vàm Láng. Các chợ An Dương, chợ Tam Bạc, chợ Ga thuộc các quận Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền quản lý chưa biết đến khi nào mới được chuyển đổi, để đầu tư sửa chữa?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét