Diện tích bãi ngao của người dân và mỏ cát của một công ty có sự chồng lấn ranh, hai bên xung đột nhiều năm, chính quyền đang nỗ lực giải quyết.
Mỏ cát của Công ty CP Xây dựng - Thương mại Tân Vũ (Công ty Tân Vũ) được TP Hải Phòng cấp phép vào ngư trường truyền thống của ngư dân Tràng Cát (quận Hải An). Sự chồng lấn ranh giới giữa bãi ngao tự phát và mỏ cát có phép khiến hai bên tranh chấp kéo dài, thậm chí xung đột trên biển.
Ghi nhận của PV ngày đầu tháng 8 -2021 ở cửa biển Tràng Cát, con tàu gỗ chở ngao giống chạy vòng vòng trên bãi ngao Gồ Nam với những căn chòi cùng những hàng cọc ranh giới nhô cao trên mặt biển. Từ trên tàu, những bao ngao giống được chuyển qua chiếc bè xốp cho ngư dân rắc thả giống xuống bãi nuôi. Phía xa, vài ngư dân khác trên con tàu sắt đang khai thác ngao, đóng thành bao chuẩn bị chở về bờ tiêu thụ.
Từ trên chòi ngao, ông Nguyễn Minh Đức (ngư dân 66 tuổi, trú khu Tân Vũ 2, phường Tràng Cát) đảo mắt nhìn xem con tàu phía xa có xâm nhập bãi ngao không. “Khu vực này đang có tranh chấp giữa ngư dân nuôi ngao với doanh nghiệp khai thác cát nên chúng tôi vừa khai thác vừa canh chừng” - ông Đức nói.
Theo ông Đức, bãi bồi Gồ Nam vốn là ngư trường truyền thống của ngư dân Tràng Cát, nhiều năm trước, ông cùng một số ngư dân bỏ tiền bạc, công sức ra làm bãi nuôi ngao ở đây. Sau này có thêm một số ngư dân các phường Tràng Cát, Nam Hải (quận Hải An), Hòa Nghĩa (quận Dương Kinh) cũng ra đóng cọc, dựng chòi làm bãi ngao. Hơn chục ngư dân tạo dựng thành quần thể bãi ngao tự phát rộng gần 500 ha ở bãi bồi Gồ Nam.
Thế nhưng bốn năm trước, nhóm ngư dân của ông Đức thấy người của Công ty Tân Vũ đi tàu ra thông báo gần 100 ha bãi ngao là mỏ cát của công ty này đã được TP cấp phép. Ngư dân không chịu vì cho rằng đây là ngư trường của mình, trước nay không hề thấy có biển báo, phao tiêu nào thể hiện là mỏ cát nên đã khoanh làm bãi ngao. Nhiều lần Công ty Tân Vũ cho tàu ra thả phao tiêu nhưng ngư dân không cho thả vào bãi ngao. Mâu thuẫn ngao - cát âm ỉ kéo dài.
Đỉnh điểm là trưa 24-6, khi Công ty Tân Vũ đưa tàu ra tổ chức thả phao tiêu, giữa hai bên đã xảy ra xung đột. Theo hình ảnh từ clip, tàu của hai bên đã nhiều lần va chạm, sau nhiều giờ tranh chấp, tàu của Công ty Tân Vũ thả được sáu phao tiêu vào bãi ngao nhưng sau đó, các phao tiêu này đã bị ngư dân dùng tàu kéo ra khỏi bãi nuôi ngao.
Các bên nói gì?
Theo tìm hiểu của PV, Công ty Tân Vũ được UBND TP Hải Phòng cấp phép khai thác cát trên diện tích 96 ha tại Gồ Nam từ cuối năm 2010, thời hạn khai thác 18,5 năm. Đến năm 2014, công ty này ký hợp đồng thuê hơn 96 ha mặt nước, sau đó được cấp giấy phép sửa đổi, bổ sung để triển khai thủ tục khai thác.
Bà Phạm Thị Hải, Giám đốc Công ty Tân Vũ, cho biết tới thời điểm năm 2017, khi công ty này tiến hành khai thác đã bị nhóm ngư dân cản trở, không cho khai thác cát với lý do đây là ngư trường nuôi trồng, đánh bắt hải sản. Công ty Tân Vũ đã nhiều lần có đơn kiến nghị cơ quan chức năng can thiệp vì cho rằng những người nuôi ngao đã làm bãi ngao trái phép trên khu vực mỏ cát. Tuy nhiên, sau đó tình hình vẫn không được cải thiện.
Theo bà Hải, từ đầu năm tới nay, Công ty Tân Vũ đã hai lần tổ chức thả phao tiêu, lần gần nhất là hôm 24-6 nhưng đều không đem lại kết quả. “Chúng tôi đã được cấp phép, làm các thủ tục khai thác đầy đủ nhưng không được khai thác trên mỏ của mình, cứ đưa tàu ra thả phao lại bị ngăn cản” - bà Hải nói.
Ông Vũ Tuấn, Chủ tịch UBND phường Tràng Cát, cho biết bãi bồi Gồ Nam là ngư trường truyền thống của ngư dân Tràng Cát. Nhiều năm nay, ngư dân đã khai thác, nuôi trồng thủy sản ở Gồ Nam, hiện có hơn chục hộ dân với hàng trăm hecta bãi nuôi ngao tại khu vực.
Diện tích bãi ngao và khu vực mỏ cát có sự chồng lấn, toàn bộ mỏ cát nằm trong khu vực bãi ngao tự phát. Cả ngư dân lẫn Công ty Tân Vũ đều kiến nghị chính quyền can thiệp bảo vệ quyền lợi. Công ty phản ánh bị ngư dân ngăn cản khi thả phao tiêu, ngư dân cũng có đơn cho rằng công ty đưa người ra chèn ép, xâm phạm bãi ngao.
Theo ông Tuấn, để giải quyết tranh chấp, phường Tràng Cát đã tổ chức đối thoại riêng với cả hai bên. Ngư dân nói chấp thuận bàn giao nếu được hỗ trợ đảm bảo quyền lợi. Phía Công ty Tân Vũ thì kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp đảm bảo để công ty có thể khai thác trên mỏ của mình. Phường đã thông tin tới công ty nguyện vọng của ngư dân để hai bên giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi của cả hai bên.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét