Trước khi đợt dịch bệnh thứ tư bùng phát, tôi có tham khảo ý kiến của một số nhà chuyên môn, chuyên gia, doanh nghiệp. Đa số ý kiến đều bày tỏ lo lắng rằng, cho đến khi Việt Nam có vắc-xin để tiêm chủng cho đa số người dân, chặng đường phía trước còn dài và đầy rủi ro, việc mở cửa trở lại bình thường với thế giới bên ngoài vẫn còn bất định.
Vì lẽ đó, cả mặt trận chống dịch và phát triển kinh tế phải được chèo lái linh hoạt, hài hòa và hiệu quả để vừa chống được dịch bệnh bùng phát, vừa giúp sinh kế của dân và hoạt động của doanh nghiệp không bị đổ vỡ, kiệt quệ.
Chặng đường phía trước, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói hôm qua, còn kéo dài, khi Việt Nam mới chỉ nhận được lượng vắc-xin rất nhỏ. “Bộ Y tế đang rất tích cực, bằng mọi cách để có vắc-xin sớm nhất và dự kiến cuối năm 2021 chúng ta sẽ có thêm một lượng vắc-xin nhất định. Nếu tiêm hết cũng chưa đủ để miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, ít nhất từ nay đến cuối năm 2021, Việt Nam vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch giống như khi chưa có vắc-xin”.
Suốt hơn một năm qua, bằng phương pháp “truy vết, khoanh vùng” đầy vất vả, Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trên mặt trận chống dịch. Tuy nhiên, ở mặt trận kinh tế chưa hẳn.
Nhiều người nói với tôi về kinh nghiệm của Đà Nẵng, địa phương thực hiện “giãn cách xã hội” toàn diện đầu tiên hồi cuối tháng 7 năm ngoái khi phát hiện chùm ca bệnh trong bệnh viện với hệ lụy tăng trưởng đau thương âm 9,3%. Hơn nữa, cả trăm ngàn khách du lịch đã rút đi từ thành phố này mà không làm lây lan dịch bệnh ra cả nước. Họ nói, giá như kinh nghiệm ở Đà Nẵng được rút ra thì đỡ đổ vỡ biết mấy.
Thật đáng tiếc, bài học không được học và tiếp tục lặp lại ở Hải Dương đợt trước Tết vừa rồi. Cả khu vực nông thông rộng lớn của Hải Dương có virus đâu mà phải chịu cảnh giãn cách xã hội, tước đi cơ hội của biết bao người, đặc biệt là nông dân để bán nông sản và các loại hàng hóa khác.
Các tỉnh lân cận Hải Phòng, Quảng Ninh căn cứ vào đâu để ra văn bản cách ly người và cấm xe từ Hải Dương cũng như các địa phương khác khi về địa phận tỉnh mình? Cách chống dịch như vậy là cực đoan, khoanh quá lớn, cắt đứt các tuyến huyết mạch của nền kinh tế trong khi các địa phương này cứ mở ra là lại lây virus lại. Họ đâu có thể đóng mãi lại như ốc đảo để bảo vệ mình khỏi nhiễm Covid-19 trong đất nước này.
Những bài học đó, thật may mắn, đã được giải tỏa gần đây bởi thái độ quyết liệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính, người đã phê bình Thái Bình vội vàng áp dụng “giãn cách xã hội” khi mới có 5 ca nhiễm. Đóng lại là dễ nhất, tròn trách nhiệm nhưng dân và doanh nghiệp trả giá rất đắt đỏ. Đóng lại cả tỉnh khi mới có 5 ca làm sao chứng tỏ cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”!
Các địa phương nên tham khảo thông báo số 82/TB-VPCP. Theo đó, về khoanh vùng, dập dịch, các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách, cách ly xã hội theo thẩm quyền được giao, nếu cách ly các vùng giáp ranh các tỉnh, thành phố khác phải có sự bàn bạc, thống nhất.
Trường hợp giãn cách, cách ly toàn tỉnh phải trao đổi với các tỉnh, thành phố lân cận và phải có ý kiến của Ban chỉ đạo quốc gia và phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Việc khoanh vùng phải gọn nhất có thể, trường hợp chưa đủ căn cứ khoanh vùng gọn ngay thì khi khoanh vùng rộng hơn phải có thời hạn và khẩn trương xác định khu vực có dịch, bảo đảm an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Hà Nội đang là địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất với hàng loạt bệnh viện bị phong tỏa. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Hà Nội không giãn cách, phong tỏa một cách cực đoan”. Thái độ đó là rất trách nhiệm và dũng cảm. Lần lây nhiễm này ở Hà Nội là rộng và phức tạp nhất nhưng tinh thần người dân và xã hội không động loạn như hồi dịch ở bệnh viện Bạch Mai năm ngoái.
Việt Nam đã có 4 đợt bùng phát dịch để hiểu hơn về bệnh dịch, về xã hội. Tức là, chúng ta đã có kinh nghiệm và thời gian để chuẩn bị các kịch bản đầy đủ để ứng phó, để cán bộ ở từng cấp biết mình sẽ phải làm gì khi dịch bệnh xuất hiện ở ngay địa phương mình, hay tỉnh bên cạnh, huyện bên cạnh, xã/phường bên cạnh, nhà bên cạnh,...thay vì lúc có dịch ở ngay bên cạnh mới cuống quít ngồi bàn xem nên dừng bán bia hay dừng bán cà phê, nên đóng karaoke hay bãi biển.
Mấy hôm nay, xe công an nơi tôi ở tuần tra suốt và đuổi người uống cà phê ngoài trời thoáng khí vào trong nhà. Tôi không hiểu vì sao họ làm vậy khi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long từng nói, khả năng lây lan cao của virus chủng mới là trong môi trường kín tập trung đông người chứ không phải ngoài trời.
Một người bạn bác sỹ tôi quen cho rằng, cần thay đổi tư duy đó bằng cách xóa bỏ ngay các môi trường gây lây dịch. Ví dụ, tại bệnh viện, tất cả các phòng khám ngoại trú, buồng bệnh đều phải mở toang cửa sổ, cửa chính, lắp quạt máy xoay. Lắp quạt máy tại các nơi bệnh nhân ngồi chờ, xếp hàng đóng viện phí hay nhận thuốc.
Ở các siêu thị, shop bán hàng, quán cafe, quán ăn, lớp học... cũng mở toang cửa và dùng quạt xoay. Với xe taxi, xe bus, xe khách không được đóng kín cửa và phải dùng quạt liên tục. Không cần phải cấm dân ra công viên tập thể dục hay ra biển tắm biển. Những nơi rộng thoáng thì không thể là nơi lây nhiễm được. Cùng với đó là đóng cửa hoàn toàn các dịch vụ trong phòng kín như karaoke, quán bar, rạp chiếu phim trong thời gian đủ dài để dập dịch.
Những gợi ý đó có hiệu quả hay không, hi vọng các nhà chuyên môn đóng góp thêm. Xin lưu ý, các tổ chức như WHO, UNICEP đã có các sổ tay hướng dẫn về việc này.
Với những thông tin đã công bố về năng lực truy vết và xét nghiệm được nâng cao, và kinh nghiệm trong quá khứ, tôi tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ lại dập được làn sóng dịch lần này. Song, để tránh những tổn thương kinh tế không cần thiết, cần có ngay hướng dẫn, quy định về phong tỏa, giãn cách… để các cán bộ thực thi ở dưới có căn cứ thực thi hoặc không thể tùy tiện.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét