10 tháng 9, 2019

Thị trường sách Việt: Bức tranh tương phản

Từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường sách ở nước ta có những bước khởi sắc, qua đó tiếp tục góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Tuy nhiên, còn chút băn khoăn khi dòng sách điện tử (ebook) trong dòng chảy thời đại công nghệ 4.0 chưa bứt phá như kỳ vọng.


Sách giấy vẫn khẳng định vị thế

Ngành xuất bản hiện tồn tại hai loại hình sách, đó là sách giấy (sách in) và sách điện tử. Sự phát triển vượt bậc của sách giấy được khẳng định. Theo số liệu thống kê từ hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2019 mới đây tại Hà Nội, có 17.111 xuất bản phẩm với hơn 250 triệu bản được nộp lưu chiểu, tăng 6,9% về xuất bản phẩm và tăng 43,6% về số bản được phát hành so với cùng kỳ năm 2018.

Minh chứng nữa cho thấy, sách giấy đang có sự bứt phá. Theo thống kê, từ năm 2014 - 2018, số lượng người sử dụng thư viện tăng từ hơn 24 triệu người lên hơn 36 triệu người; tổng lượt sách giấy, báo phục vụ của thư viện tăng từ 51.921 triệu lượt lên 58.384 triệu lượt với hàng chục nghìn đầu sách. Ngoài ra, tại các sự kiện Ngày sách, Hội sách ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, số lượng sách bán ra và phục vụ bạn đọc lên tới hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu cuốn với nhiều đầu sách hấp dẫn, chất lượng. Tính riêng dịp Ngày sách Việt Nam 5 năm qua, toàn ngành xuất bản đã xuất bản được gần 160.000 xuất bản phẩm với gần 1,9 tỷ bản. Số đầu sách tăng 22%, số bản sách tăng 55%. Chất lượng xuất bản phẩm ngày càng được nâng cao, cung cấp xã hội khối lượng lớn thông tin, kiến thức của nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao dân trí và phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của mọi đối tượng bạn đọc.

Khoảng lặng sách điện tử

Trái ngược với sự kỳ vọng và suy đoán của nhiều người, sách điện tử Việt thời gian qua chững lại. Tại hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2019 vừa qua, ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, mảng sách điện tử suy giảm nghiêm trọng. Nếu tính từ năm 2016, số ebook đăng ký gần 1.900 tên sách, 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 92 xuất bản phẩm điện tử với hơn 1,2 triệu lượt phát hành. Đặc biệt, hiện nay chỉ có 5/59 nhà xuất bản có khả năng xuất bản sách điện tử. Đây là sự thất vọng lớn của ngành xuất bản sách điện tử Việt Nam trong quá trình tiến tới nền xuất bản công nghiệp 4.0.

Có thể thấy, sách điện tử ở Việt Nam khoảng chục năm trở lại đây trở nên thân thuộc, nhất là giới trẻ, bởi tính tiện dụng. Sách điện tử được yêu thích bởi bạn đọc có thể dễ dàng mua ebook có bản quyền trên các trang mạng của nhà phát hành bản quyền với giá thành thấp hơn nhiều so với sách giấy. Bên cạnh đó, loại sách này còn có ưu điểm gọn nhẹ, chỉ với thiết bị điện tử, người đọc có thể sở hữu nhiều cuốn sách và đọc sách ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời gian nào. Đặc điểm nổi bật của ebook là tính tương tác, người đọc sách có thể tham gia trao đổi thông tin với tác giả, bạn bè và nhiều người khác thông qua các trang mạng xã hội.

Tuy nhiên, gần đây, tình trạng sách điện tử lậu xuất hiện và nhan nhản khắp các trang mạng, khiến các đơn vị, nhà xuất bản thực hiện sách điện tử bị ảnh hưởng.  Theo ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc Công ty Waka – đơn vị sản xuất và phát hành sách điện tử lớn hiện nay, sách điện tử hiện gặp nhiều rào cản để phát triển đúng nghĩa. Đó là hành lang pháp lý chưa đầy đủ. Các đơn vị chưa mặn mà làm ebook vì đầu tư lớn, hành lang pháp lý chưa rõ, công sức bỏ ra nhiều nhưng doanh thu chưa cao. Việc này dẫn đến nguồn cung sách điện tử tốt hạn chế, không kịp thời. Người đọc muốn đọc ebook có bản quyền không biết tìm ở đâu, đôi khi họ phải … đọc lậu.

Related Posts:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét