13 tháng 9, 2019

Kẻ phá hoại

Hàng chục quả pháo sáng được các CĐV Nam Định đốt và ném thẳng xuống đường pitch nơi các trọng tài và cầu thủ đang thi đấu, khiến trận đấu bù vòng 22 V-League 2019 giữa Hà Nội FC và Nam Định trên sân Hàng Đẫy vào ngày 11/9 phải gián đoạn.

Pháo sáng liên tục bị ném xuống sân Hàng Đẫy. Ảnh: TT&VH
Rồi hình ảnh cảnh rất đông CĐV của đội khách Nam Định lao vào tấn công lực lượng an ninh và CSCĐ ngay trên khán đài, cảnh người bị thươn do pháo rơi phải đã được truyền trực tiếp khiến khán giả bóng đá cả nước đã không khỏi bất bình. Theo luật, vụ đốt pháo sáng gây thương tích và hành hung người thi hành công vụ tại sân Hàng Đẫy hoàn toàn có thể khởi tố hình sự.

Nghiêm trọng hơn, một quả pháo cứu hộ trên biển đã được bắn từ khán đài B sang khán đài A, đập trúng chân CĐV nữ khiến máu chảy liên tục vì bỏng nặng, sau đó đã được đưa đi cấp cứu. Đáng chú ý là “những CĐV quá khích” trên sau đó vẫn ngang nhiên thách thức tất cả khi tiếp tục đốt pháo và nhảy múa trên khán đài, rồi thẳng tay ném pháo xuống sân.

Đáng nói hơn, sự quá khích của một số CĐV diễn ra trong sự bất lực của lực lượng an ninh. Lực lượng an ninh quá mỏng lại chủ yếu làm công việc dập pháo sáng thay vì chế áp những kẻ quá khích. Một hình ảnh rất đáng buồn đã diễn ra ở khán đài B khi 2 chiến sỹ cảnh sát cơ động khi vào trấn áp những CĐV quá khích đã bị những đối tượng này tấn công, xô đẩy ra cửa ra vào khán đài và bị chấn thương.

Một khán giả nữ bị pháo phụt vào chân phai đi cấp cứu (Ảnh chụp màn hình)
Trước ngày diễn ra trận đấu đáng chú ý này, khi nắm bắt được thông tin CĐV Nam Định kêu gọi đốt pháo sáng, ban điều hành V-League 2019 đã có nhiều cuộc họp với ban tổ chức sân Hàng Đẫy (Hà Nội) để lên kế hoạch ngăn chặn. Tuy nhiên, tình trạng đốt pháo sáng và tai nạn dẫn đến đổ máu trên sân vẫn xảy ra.

Trong công văn khẩn của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) báo cáo VFF nêu rõ, từ ngày 6/9, Ban tổ chức sân Hàng Đẫy đã họp bàn công tác an ninh cho trận đấu Hà Nội - Nam Định ngày 11/9. Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo CLB, BTC trận đấu, VPF, Ban điều hành giải, VFF, Công an Hà Nội, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và giám sát trận đấu.

Tuy nhiên, khi trận đấu diễn ra công tác chuẩn bị an ninh, an toàn cho trận đấu đã không được CLB Hà Nội triển khai theo phương án đã thống nhất. Ban tổ chức sân Hang Đẫy đã chủ quan, không ắp đặt 4 cổng từ ở cửa soát vé như phương án. Lực lượng an ninh mỏng, phương tiện đảm bảo an ninh sơ sài.

Đây không phải lần đầu tiên Ban tổ chức sân Hàng Đẫy để cho CĐV đội khách “làm loạn” như thế. Trước đó, cũng ở V-League 2019, trong trận đấu giữa Hà Nội FC và Hải Phòng ở vòng 6, Ban tổ chức sân đã không đảm bảo được an ninh, an toàn, để xảy ra sự cố nghiêm trọng khi không kiểm soát được CĐV Hải Phòng. Hàng chục quả pháo sáng đã bị ném xuống sân khiến sân Hàng Đẫy chìm trong khói lửa. Ban tổ chức sân sau đó đã bị Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) treo sân 1 trận và phạt 70 triệu đồng. Tuy nhiên, án phạt chưa kịp “ráo mực”, thì đã lệnh “xóa án” treo sân lại được ban ra, khiến dư luận khá bất bình.

Ở trận đấu bù vòng 22 V-League 2019 cũng trên sân Hàng Đẫy vào 11/9, tình trạng pháo sáng được đốt trên sân một lần nữa lại xảy ra và lần này còn ở mức độ nghiêm trọng hơn.

Có thể thấy sai phạm trên là quá rõ ràng. Đây là sai phạm nặng nề và cũng là sự yếu kém có "hệ thống" của Ban tổ chức sân chứ không phải sơ sảy nhất thời. Và lần này còn để xảy ra nhiều hành vi phi thể thao làm méo mó hình ảnh giải đấu, hoen ố hình ảnh bóng đá Việt Nam.

Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải đã chỉ đạo phải xử lý kiên quyết với những tập thể và cá nhân có liên quan làm mất an ninh và an toàn cho trận đấu. Ban kỷ luật VFF cũng đã nắm được vụ việc và sẽ tiến hành các công việc đúng thẩm quyền của mình.

Chủ tịch VPF Trần Anh Tú cũng đã yêu cầu các bên có báo cáo kịp thời về sự cố, đồng thời lên án hành vi rất nguy hiểm của các CĐV quá khích. Người đứng đầu VPF, VFF cho biết sẽ có cuộc họp nhằm chấn chỉnh công tác đảm bảo an toàn, an ninh trận đấu.

Căn cứ vào các Quy định Kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi gây rối, ảnh hưởng đến công tác tổ chức và điều hành giải đấu có thể bị xử phạt theo các hình thức từ phạt tiền, cấm khán giả vào sân, thi đấu trên sân trung lập đến xử thua tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của hành vi. Nhiều khả năng cả BTC sân Hàng Đẫy, CLB và CĐV Nam Định đều phải nhận án phạt nặng từ Ban Kỷ luật VFF sau sự cố pháo sáng rất nghiêm trọng này.

Theo quy định, vụ đốt pháo sáng gây thương tích và hành hung người thi hành công vụ tại sân Hàng Đẫy hoàn toàn có thể khởi tố hình sự.

Bóng đá Việt Nam đang nỗ lực sân dựng hình ảnh đẹp từ sân cỏ đến khán đài. Đặc biệt thời gian qua khán giả ngày càng đến sân đông hơn, nhưng có thể chính “những kẻ phá hoại” này sẽ khiến các sân bóng lại trở nên trống vắng vì sự thiếu an toàn từ các khán đài. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét