19 tháng 6, 2019

Vải thiều vào chính vụ: Được giá, mất mùa

Mấy ngày nay, vải thiều được bán rộ ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố, giá khá cao, song chủ yếu nhập về từ Thanh Hà (Hải Dương), Lục Ngạn (Bắc Giang). Thị trường thành phố vắng bóng vải thiều được trồng tại Bát Trang (An Lão) hay các quận, huyện: Kiến An, Thủy Nguyên, Đồ Sơn…do mất mùa.  


Vải thiều bán tại thị trường thành phố hiện nay chủ yếu nhập về từ Thanh Hà (Hải Dương), Lục Ngạn (Bắc Giang). 

Nhiều hộ trồng vải thất thu

Mấy ngày nay, vải thiều bán rộ khắp các đường phố Hải Phòng. Bên cạnh lượng vải thiều được bán tại các siêu thị, chợ, cửa hàng hoa quả; nhiều người bán vải thiều rong tại đường Trần Nguyên Hãn (khu vực chân Cầu Niệm), đường Trường Chinh (khu vực gần chợ Lãm Hà), đường 354 (xã Mỹ Đức, An Lão), đường Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền), đường Phạm Văn Đồng khu vực thuộc quận Dương Kinh. Tuy nhiên, phần lớn vải thiều nhập về từ các tỉnh, thành phố bạn với giá bán phổ biến 35-45 nghìn đồng/kg. Vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGap, có truy xuất nguồn gốc được bán với giá 45-50 nghìn đồng/kg tại một số cửa hàng nông sản sạch, siêu thị… Vải thiều của Bát Trang (An Lão); hay các quận, huyện trồng vải hầu như không có.

Mấy năm trước, vùng vải Bát Trang chiếm 80- 90% sản lượng vải thiều của thành phố. Tuy nhiên, vụ vải thiều năm 2019, phần lớn các hộ dân thất thu. Ông Phan Văn Huy, ở thôn Trực Trang, xã Bát Trang cho biết, năm nay gia đình chỉ thu được 6-7 tạ vải thiều, giảm 60-70% năng suất so với vụ vải năm trước. Nhiều bà con khác trong xã còn không được thu hoạch vải thiều.

Tại một số quận, huyện khác có diện tích trồng vải thiều nhỏ, lẻ phần lớn cũng không được thu hoạch sản phẩm. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, chủ rừng ở đồi Thiên Văn (quận Kiến An) cho biết, gia đình có 300 cây vải được trồng lâu năm, trong đó vải thiều là 270 cây. Năm nào được mùa, vải thiều thu hoạch sản lượng khoảng 8-9 tấn, trừ chi phí lãi khoảng 80-90 triệu đồng. Tuy nhiên, vụ vải thiều năm nay, hơn 300 cây vải thiều phần lớn không cho thu hoạch. Chỉ vài cây lác đác có quả, không đủ cho gia đình sử dụng.

Phó chủ tịch UBND xã Bát Trang Phan Văn Huy cho biết, đến giữa tháng 6-2018, vùng vải thiều xã Bát Trang cơ bản thu hoạch xong, sản lượng chỉ đạt gần 50 tấn, trong khi những vụ trước trung bình đạt 1000 tấn/vụ. 

Hỗ trợ nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm

Theo các chủ vườn trồng vải thiều, sản lượng vải thiều năm nay đạt thấp, một số vườn mất mùa thu hoạch hoàn toàn do ảnh hưởng thời tiết bất lợi. Đúng dịp vải thiều ra hoa gặp 2 đợt mưa, rét làm hoa không đậu quả. Bên cạnh đó, nhiều diện tích trồng vải thiều ở vùng chuyên canh vải thiều xã Bát Trang và một số diện tích vùng bãi ven sông ở các huyện bị chặt bỏ để chuyển đổi cây trồng khác. Gia đình ông Phan Văn Huy bên cạnh diện tích vải thiều trong vườn, còn có 7 sào ruộng trồng vải thiều. Tuy nhiên, hiện nay ông Huy chỉ giữ lại diện tích trồng vải thiều trong vườn, bỏ hẳn diện tích trồng vải thiều ngoài ruộng để chuyển sang trồng trồng chuối, thanh long…Tại xã Chiến Thắng (An Lão), một số nông dân có trang trại tổng hợp ven sông Văn Úc trước đây trồng vải, nay chuyển sang trồng nhãn hương chi, chuối, hồng xiêm xoài… Một số vùng trồng vải thiều của Hải Phòng vụ này năng suất, chất lượng kém còn do kỹ thuật chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, ứng phó biến đổi khí hậu chưa được quan tâm, chú trọng.

Theo Trưởng Phòng Trồng trọt Sở Nông nghiệpPhát triển nông thôn Hải Phòng Bùi Cảnh Đức, diện tích trồng vải thiều của Hải Phòng không lớn nên cần giữ, phát triển vùng vải truyền thống ở xã Bát Trang và một số khu vực có lợi thế trồng vải thiều. Tuy nhiên, bà con nông dân phải kiên trì mô hình sản xuất, không nên nóng vội chuyển đổi cây trồng khác trong khi chưa làm chủ được tiến bộ kỹ thuật để cây trồng phát triển tốt hơn, cho năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn, dễ dẫn đến luẩn quẩn; đồng thời cần nâng cao kỹ thuật sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu. Hội Nông dân huyện, xã phối hợp các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, các loại phân bón thế hệ mới hiệu quả cho cây vải thiều. Sở NN-PTNT Hải Phòng tạo điều kiện giúp các hộ trồng vải liên kết tiêu thụ sản phẩm, hướng đến chế biến, phục vụ xuất khẩu…
Bài và ảnh: Hải An

0 nhận xét:

Đăng nhận xét