Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, anh V., (46 tuổi, Tuyên Quang), sau khi hút thử điếu thuốc lá điện tử, anh thấy run tay chân, hoa mắt chóng mặt, đứng không vững… tình trạng càng lúc càng nghiêm trọng nên được gia đình đưa đi cấp cứu.
Các bác sĩ của Bệnh viện cho biết, bệnh nhân V. nhập viện vào 22h tối 4/7, được chẩn đoán ngộ độc khi hút thuốc lá điện tử bơm tinh dầu. Sau 1 ngày điều trị theo phác đồ ngộ độc, bệnh nhân ổn định sức khỏe và đã được xuất viện.
Bác sỹ cho biết thêm, nhiều người cho rằng hút thuốc lá điện tử an toàn, thực chất thuốc lá điện tử chứa nhiều nicotine, chất gây nghiện tương tự như heroin và cocaine. Nicotine trộn trong tinh dầu của thuốc lá để khi đốt nóng sẽ chuyển thành dạng hơi giúp người dùng hít vào phổi. Một lọ dung dịch nhỏ tinh dầu đó chứa hàm lượng nicotine tương đương 3 bao thuốc lá truyền thống.
Trong khi đó, trường hợp kể trên không phải là duy nhất phải nhập viện vì thuốc lá điện tử. Đáng lo ngại, Hiện nay, xu hướng bỏ thuốc lá truyền thống và chuyển sang thuốc lá điện tử đang gia tăng, đặc biệt là giới trẻ, thanh thiếu niên coi đây là cách thể hiện độ sang chảnh, ăn chơi và số ít người coi là cách cai thuốc lá truyền thống. Đặc biệt, có rất nhiều quan điểm về thuốc lá điện tử như là giúp cai nghiện thuốc lá, an toàn hơn thuốc lá truyền thống…
Ghi nhận nhanh tại các quán cafe, trà sữa, hàng ăn… không khó có thể bắt gặp những hơi khói dài được thở ra từ các “nam thanh, nữ tú”. Thế nhưng, so với thuốc lá điếu, việc nhắc nhở người hút không sử dụng thuốc lá điện tử được xem là khó khăn hơn và cũng ít người quan tâm.
Nguyễn Thái Anh (20 tuổi, Hải Phòng) - nhân viên tại quán cafe Nghiền (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Thuốc lá điếu có mùi hôi rất khó chịu nên thường chúng em nhắc nhở thì người hút sẽ dập ngay, nhưng thuốc lá điện tử không gây sự khó chịu này. Hút điếu thuốc lá thường mất 3-5 phút nhưng thuốc lá điện tử chỉ cần 1 đến 2 hơi, nhiều khi chúng em cũng không thể theo dõi được”.
Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - cán bộ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, dù các hóa chất trong khói thuốc lá điện từ ở nồng độ thấp hơn nhưng chúng không làm giảm nguy cơ, đáng lưu ý một số hóa chất này được xếp nhóm gây ung thư. Thuốc lá điện tử gây một số tác hại cấp tính cho người sử dụng, trong đó có hội chứng tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử (EVALI).
“Số liệu từ CDC Hoa Kỳ tính đến ngày 18/2/2020 cho thấy, có tổng số 2.807 trường hợp tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử phải nhập viện ở 50 tiểu bang, trong đó có 68 ca tử vong ở 29 tiểu bang; 15% số ca nhập viện dưới 18 tuổi, 37% từ 18-24 tuổi với tuổi trung bình là 24” - bác sĩ Lâm dẫn chứng.
Đồng quan điểm, bác sĩ Vũ Văn Thành - Bệnh viện Phổi trung ương giải thích, thuốc lá điện tử sử dụng pin để làm nóng dung dịch có chứa nicotin và các chất hóa học khác đựng trong ống/bình chứa dùng một lần hoặc có thể tái nạp, tạo ra sol khí (khói) cho người sử dụng hít vào. Còn thuốc lá nung nóng là sự kết hợp thiết bị và sản phẩm thuốc lá chuyên dùng làm sản sinh ra khí chứa nicotine và các hóa chất khác. Nếu so sánh thuốc lá điện tử với thuốc lá điếu truyền thống thì nguy cơ bị ung thư do thuốc lá điện tử cao gấp 15 lần.
Bên cạnh việc gây ra các bệnh phổi như tắc nghẽn phổi mạn tính, ung thư phổi, hen… thuốc lá điện tử còn gây ra các bệnh lý khác như đột quỵ não, tim mạch... Thuốc lá điện tử cũng giống thuốc lá truyền thống gây ảnh hưởng tới cả trẻ em, phụ nữ, những người hút thuốc lá thụ động. Phụ nữ hút thuốc lá điện tử trong quá trình mang thai không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển của phổi và não em bé, mà các chất độc trong thuốc lá này còn gây sinh non, trẻ nhẹ cân và thậm chí là chết lưu.
Ngoài khuyến cáo không nên sử dụng thuốc lá bao gồm cả thuốc lá điện tử và truyền thống, thuốc lào, các bác sĩ cảnh báo người dùng thuốc lá điện tử có cử động chậm chạp, lơ mơ, có dấu hiệu ngộ độc hoặc các dấu hiệu bất thường về sức khỏe... cần đến ngay cơ sở y tế .
Theo Luật sư Trần Trà Linh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Những địa điểm cấm sử dụng thuốc lá đã được pháp luật quy định rõ tại Điều 12 Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá 2012. Vì vậy, hành vi sử dụng thuốc lá tại những địa điểm này, đặc biệt là tại nơi công cộng - nơi tụ tập đông người, sẽ bị xử phạt như sau: Căn cứ Khoản 1 Điều 25 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế:
“Điều 25. Vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá.
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng”.
Theo đó, đối với trường hợp lần đầu tiên vi phạm, công dân sẽ được nhắc nhở, cảnh cáo. Nếu tái phạm, tùy theo mức độ, công dân có thể bị phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng. Đây là mức phạt tương đối cao nhằm hạn chế hành vi sử dụng thuốc lá tại những địa điểm cấm.
Trường hợp thuốc lá điện tử, thuốc lá điện tử được hiểu là các thiết bị điện tử sử dụng pin để làm nóng dung dịch có chứa nicotine và các chất hóa học khác, đựng trong ống/bình chứa dùng một lần hoặc có thể tái nạp khí cho người sử dụng hít vào. Mặt khác, khái niệm “thuốc lá” ghi nhận tại Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 rằng: “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”.
Vì vậy, hoàn toàn có thể coi thuốc lá điện tử là một dạng khác của thuốc lá. Do đó, hành vi hút thuốc lá điện tử tại địa điểm cấm hút thuốc lá như nơi công cộng cũng sẽ bị xử phạt tương tự như khi hút thuốc lá truyền thống.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét