Là sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội, định hướng khi ra trường Nguyễn Trung Kiên sẽ trở thành một kiến trúc sư. Nhưng chàng trai 9x Hải Phòng bén duyên với... đá cuội một cách rất tình cờ.
Từ bỏ chuyên ngành theo học để làm bạn với đá cuội là sự đánh đổi mạo hiểm của Nguyễn Trung Kiên (Hải Phòng). Với góc nhìn sáng tạo, Kiên biến những viên đá cuội vô tri vô giác thành tác phẩm nghệ thuật giá hàng triệu đồng.
Từ giấc mơ đá cuội
Là sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội, định hướng khi ra trường Nguyễn Trung Kiên sẽ trở thành một kiến trúc sư. Nhưng quyết định rẽ lối, chàng trai 9x Hải Phòng bén duyên với... đá cuội một cách rất tình cờ.
Trước đó, Kiên thường đi dạy vẽ miễn phí cho trẻ em nghèo vào cuối tuần. Trong một lần đi tìm đề tài trên mạng, 9x Hải Phòng bắt gặp những bức hình được vẽ trên đá cuội rất sống động.
“Giống như cuộc gặp gỡ định mệnh, tôi cực kỳ phấn khích khi nhìn thấy các bức tranh vẽ trên đá cuội. Kể từ đó, tôi lao vào việc nghiên cứu tài liệu, phương thức sáng tạo để có thể làm ra sản phẩm”.
Thời gian đầu, Kiên còn bỏ học để nghiền ngẫm thứ nghệ thuật mới lạ. Bằng tất cả niềm say mê, sự nỗ lực, tác phẩm đầu tiên của Kiên đã ra đời và thành công ngoài mong đợi. Một bức tượng Phật nằm ngủ trên bề mặt viên đá.
Quá phấn khởi, Kiên chụp lại bức hình và đăng tải trên mạng để khoe bạn bè. Ngay lập tức, tác phẩm nhận được vô vàn phản hồi tích cực, nhiều người còn ngỏ ý muốn mua lại với giá khá cao nhưng anh quyết không bán.
Kiên chỉ đồng ý vẽ lại một bức tranh giống y hệt cho vị khách hợp duyên. Đây là thương vụ lần đầu tiên của anh khi nhận về số tiền 250.000 đồng vào tháng 3/2018 đồng thời cũng là bước khởi đầu cho hành trình khởi nghiệp của chàng trai trẻ.
Sau lần ra mắt ấn tượng, Kiên nhận được nhiều lời mời hợp tác, nhiều đơn hàng đến từ các khu du lịch, cửa hàng bán đồ lưu niệm. Cao điểm, có ngày Kiên bán ra tới 50-60 tác phẩm, thu về cả chục triệu tiền lãi mỗi tháng. Các sản phẩm chủ yếu thuộc dòng tranh 2D hoặc 3D nằm trong phân khúc giá tầm trung từ 50.000-250.000 đồng/sản phẩm.
“Tôi nhận thấy, nếu biết cách tận dụng và phát triển đúng hướng thì lợi nhuận từ vẽ tranh trên đá cuội tương đối lớn. Là loại hình mới ắt ẳn phải tiếp cận theo hướng khác không thể giữ mãi tư duy truyền thống”, Kiên tâm sự.
Để có nguồn đá tốt, anh chàng tìm đến các con sông, suối ở Quảng Ninh, Lào Cai tìm nguyên vật liệu. Sau một thời gian khảo sát, anh nhận thấy đá cuội ở vùng Quảng Ninh có bề mặt, diện tích lớn nhưng lại khá sần sùi, để vẽ được rất khó, nhanh hỏng bút và lãi không cao. Còn đá ở Lào Cai tuy nhỏ nhưng chất lượng tốt, bề mặt mịn, mẫu hình đa dạng và khá phù hợp với tiêu chí Kiên đang cần.
“Nhìn các con sông có nguồn đá đẹp mà tôi có cảm giác như bắt được vàng. Có nguồn đá rồi, tôi lại phải tìm cách vận chuyển, bởi mỗi lần cần nguyên liệu phải đi từ Hà Nội lên Lào Cai nhặt đá là không ổn”.
Vì thế, Kiên nhặt một ít đá làm mẫu và nhờ người dân ở đó tìm theo đúng yêu cầu. Mỗi cân đá anh trả cho người tìm được 10.000 đồng, người nhặt sẽ chịu trách nhiệm đóng gói, mang đá ra bến xe gửi. Thường mỗi lần vận chuyển 100kg đá sẽ ngốn của Kiên 150.000 đồng.
Đá sau đó được rửa sạch, làm sạch bề mặt, hong thật khô. Nếu đá phơi không kỹ còn ẩm sẽ xảy ra hiện tượng nấm, mốc, tróc sơn ngay sau khi vẽ. Từ hình dáng viên đá sơ khai, người vẽ sẽ dùng nhãn quan nghệ thuật để tạo hình cho phù hợp.
Biến đam mê thành nguồn sống
Từ khi biết con trai rẽ hướng, gia đình Kiên phản đối gay gắt và buộc anh phải dừng ngay “công việc không có tương lai” lại. Từ cậu sinh viên chỉ biết ăn biết học, nhận chu cấp từ cha mẹ anh phải đối mặt giữa hai sự chọn lựa: một là dừng lại đi theo định hướng cũ, hai là đi tiếp và không nhận được bất cứ thứ gì.
“Bố có hỏi tôi là muốn trở thành kỹ sư hay về luôn nhà đi làm khu công nghiệp. Còn mẹ tôi thì rất sốc trước quyết định liều lĩnh của con trai. Khi đó, tôi thực sự rất buồn và không biết sự lựa chọn của bản thân là đúng hay là sai”.
Để trang trải cuộc sống, Kiên bắt đầu nhận tất cả các đơn hàng có thể vẽ, có thể kiếm ra tiền, chấp nhận sản xuất mặt hàng loại nhỏ, giá thấp để giữ mối. Đó phần lớn là các dòng tranh 2D, có họa tiết hoạt hình dao động từ 50.000-60.000 đồng/tác phẩm.
Do số lượng đơn ngày một lớn mình Kiên làm không xuể, anh nhờ thêm 2 người bạn đến phụ giúp. Vào mùa du lịch, tháng 7-8-9/2018, Kiên vẽ hết khoảng 400kg đá cuội. Trừ tất cả chi phí, chưa tính công thì mỗi sản phẩm đem về 80% tiền lãi so với giá bán ra.
Sau quãng thời gian làm theo kiểu ồ ạt, không có chiến lược, Kiên nhận ra cần phải cải tổ lại mục tiêu kinh doanh. Nếu chỉ tập trung bán buôn khi chưa có thương hiệu, sau một thời gian, khả năng cao sản phẩm sẽ bị sao chép, lãi thấp lại khó phân loại khách hàng. “Tôi xác định mình sẽ không đổ sỉ, không sản xuất tràn lan nữa khi chưa có thương hiệu”, anh nói.
Do đó, Kiên bắt tay vào việc đánh giá thị trường, chia lại phân khúc tranh thành 3 phần: tầm thấp, tầm trung, tầm cao. Dòng tranh tầm thấp được vẽ 2D ở mức giá 50.000-100.000 đồng/tác phẩm, tập trung hướng tới khách hàng là học sinh, sinh viên. Dân công sở, văn phòng là đối tượng của dòng tranh tầm trung được vẽ 3D, giá từ 100.000-250.000 đồng/tác phẩm. Đặc biệt là dòng tranh tầm cao giá từ 1-2,5 triệu đồng/tác phẩm, được vẽ 3D là hình cá, tượng Phật, phong thủy dành cho người có thu nhập tốt.
Kiên tập trung đánh mạnh vào phân khúc tranh giá tầm trung, tầm cao và giảm số lượng tranh tầm thấp. Anh thiết kế logo nhận diện, tăng cường bán lẻ và hạn chế hình thức bán buôn. Ngoài ra, kích thước tranh được anh định hướng lại theo xu hướng là đồ dùng trang trí nội thất nên tối đa các mặt sẽ là 20cm.
Trong đó, lời lãi thu được Kiên phân bố lại, ngoài việc xoay vòng tái đầu tư anh sẽ trích ra mở cửa hàng, lập trang web bán hàng online và giới thiệu sản phẩm.
Dự định sắp tới của Kiên là vừa tiếp tục kinh doanh vừa hoàn thành nốt chương trình học tập ở trường theo nguyện vọng của gia đình. Anh kiên trì chọn đá là hướng phát triển trong tương lai. “Dù tôi biết bố mẹ vẫn chưa hoàn toàn đồng ý với quyết định liều lĩnh này, nhưng tôi tin một ngày nào đó mọi người sẽ hiểu và ủng hộ”, Kiên chia sẻ. (Theo Vietnamnet)