11 tháng 3, 2021

Bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh đổ lỗi cho nhau tại toà

TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng và cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm...

Sáng 11/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục điều hành phần tranh luận trong phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng và cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ (viết tắt là Dự án Ethanol Phú Thọ).

Tự bào chữa của mình, bị cáo Đinh La Thăng tỏ rõ thái độ không bằng lòng với nội dung tự bào chữa của bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Theo lời bị cáo Thăng, việc thẩm định giá hợp đồng để triển khai Dự án Ethanol Phú Thọ là quyền của chủ đầu tư. 

“PVC đồng ý thì làm, không đồng ý thì thôi. Anh Thanh nói, nếu Tập đoàn PVN không chỉ đạo thì PVC không làm. Xin lỗi anh Thanh, anh nói thế là tự tát vào mồm anh”, bị cáo Thăng đáp trả phần bào chữa của bị cáo Thanh trước đó. Tiếp tục bào chữa cho mình, bị cáo Thăng phân trần “Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, trong vụ án này có nhóm lợi ích, tôi xin được trao đổi lại, là nhóm lợi ích nào, lợi ích gì và từng người trong nhóm lợi ích được hưởng bao nhiêu tiền?”.

Vẫn lời bào chữa của bị cáo Thăng “Thưa HĐXX, nếu không có lần đầu tiên, không có chủ trương chỉ định thầu của Chính phủ thì làm sao có những dự án lớn thành công. Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, tôi giữ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN, Trưởng Ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học thì phải biết các việc của cấp dưới, kể cả việc của Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) là đơn vị không nằm trong hệ thống Tập đoàn PVN thì có thỏa đáng không?”.  Bị cáo Thăng phủ nhận việc chỉ đạo cấp dưới và phủ nhận việc giới thiệu liên danh nhà thầu với lý do, đó là thẩm quyền của chủ đầu tư.

Trước đó, tự bào chữa cho mình, bị cáo Trịnh Xuân Thanh kiến nghị HĐXX xem xét lại những nội dung bị cáo đã khai trong phần xét hỏi và giữ nguyên các lời khai này để làm căn cứ gỡ tội khi tham gia tranh luận. Bị cáo Thanh kiến nghị đại diện Viện KSND TP Hà Nội phân tích rõ những căn cứ được sử dụng để buộc tội bị cáo đã vi phạm quy định về đầu tư xây dựng, gây ra hậu quả thiệt hại hơn 543 tỷ đồng cho Nhà nước. Bị cáo Thanh mong đại diện Viện kiểm sát làm rõ mình đã chỉ đạo như thế nào và tại sao chỉ đạo.

Bị cáo Thanh lập luận, thời điểm liên quan việc dự án được xác định gây thiệt hại, bị cáo đang đi học một lớp do Tập đoàn PVN tổ chức nên chỉ tham gia điều hành một số công việc tại PVC. Bào chữa về lời khai trong quá trình triển khai gói thầu dự án Dự án Ethanol Phú Thọ, bị cáo Thanh cho rằng, vấn đề mà dự án gặp có phải là thiếu tiền và không liên quan đến vấn về về năng lực của nhà thầu hay không?. “Các công trình của Tập đoàn PVN giao, chúng tôi đều tham gia. Còn có được tham gia hay không là do chủ đầu tư quyết định”.

Bào chữa về cáo buộc của Viện kiểm sát trong việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi bàn bạc, thỏa thuận với bị cáo Đỗ Văn Hồng (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc- PVC Kinh Bắc) liên quan đến dùng tiền của dự án để mua khu đất 3.400 m2 ở thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), bị cáo Thanh phản bác cáo buộc của đại diện Viện kiểm sát. Bị cáo Thanh cho rằng, mình không bàn bạc với bị cáo Hồng như cáo trạng đề cập. 

“Vụ việc liên quan đến PVC Kinh Bắc và Công ty Mai Phương là do vợ tôi bàn với những người khác, chứ tôi không liên quan. Đại diện Viện kiểm sát cần làm rõ, tôi có đưa tiền cho những người đó đi mua đất hay không? Và cá nhân tôi cũng không liên quan đến khoản nợ 3 tỷ đồng của Công ty Mai Phương”, bị cáo Thanh trình bày.

Trong phần luận tội các bị cáo, đại diện Viện kiểm sát thực hiện quyền công tố tại phiên toà khẳng định, các bị cáo trong vụ án này hầu hết là người giữ vị trí chủ chốt, quan trọng trong tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, được Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn, tài sản quốc gia. Tuy nhiên, hành vi cố ý làm trái của các bị cáo trong vụ án này khiến cho dự án dang dở, làm lãng phí nguồn lực kinh tế xã hội đặc biệt nghiêm trọng. 

Nguồn vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng lẽ ra đã có thể giúp giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội quan trọng của đất nước. Hành vi phạm tội các bị cáo còn xâm hại đến sự đúng đắn, liêm chính và trách nhiệm quản lý tài sản nhà nước, xâm hại nghiêm trọng đến uy tín, đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước nói chung và quản lý doanh nghiệp nhà nước nói riêng, làm mất niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tạo tiền lệ xấu cho những hành vi sai phạm tương tự.

Đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh, vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng các đồng phạm bị đưa ra xét xử tại phiên tòa này thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc kiên quyết xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm. Vụ án này một lần nữa chứng minh hành vi phạm tội có tính chất “nhóm lợi ích” tiêu cực do những người có chức vụ quyền hạn, người đứng đầu trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề trên các mặt chính trị, kinh tế cần phải được xét xử nghiêm minh trước pháp luật, để bảo vệ luật pháp, bảo đảm vận hành nền kinh tế theo pháp luật và sự tuân thủ của các chủ thể khi tham gia các quan hệ kinh tế.

Ông Đinh La Thăng: “La thăng” là nốt nhạc, nhưng bản nhạc không chỉ có “la thăng”

Sáng ngày 11-3, bị cáo Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được quyền tự bào chữa và tranh luận với đại diện Viện Kiểm sát trong vụ án thất thoát 543 tỷ đồng tại dự án nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ.

Viện Kiểm sát cho rằng, ông Thăng biết Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) không đủ năng lực thi công dự án Ethanol Phú Thọ do Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) là chủ đầu tư. Nhưng, ông Thăng vẫn lợi dụng chức vụ, buộc PVB chỉ định thầu cho PVC. Năm 2013, PVC phải dừng thi công do không đủ năng lực và dẫn tới thiệt hại 543 tỷ đồng cho PVB, đây là số tiền lãi chủ đầu tư phải trả cho các ngân hàng.

Trong phần tự bào chữa, ông Thăng nhiều lần phản bác nội dung truy tố, nói không bao giờ có ý kiến buộc chỉ định thầu và đề nghị được hỏi các bị cáo khác nhưng chủ tọa không đồng ý do đã kết thúc phần hỏi, hiện đang ở phần tranh luận.

Tiếp tục nói, ông Thăng cho rằng, bản thân đã lắng nghe cáo trạng và bản luận tội, hoàn toàn không đồng ý cáo buộc của Viện Kiểm sát. “Tôi không được dự thẩm vấn nhưng sau 3 ngày, bản cáo trạng ngày đầu và luận tội hôm qua hoàn toàn như nhau, không thay đổi”, ông nói.

Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, PVN và bản thân là những người tiên phong, đi đầu, dám nghĩ, dám làm để mong phát triển đúng theo chủ trương của Đảng, Chính phủ và Nhà nước. Bị cáo là người đứng đầu PVN triển khai chủ trương đó. Lúc triển khai không thể biết được sau thế nào nên không thể quy kết bị cáo là chủ mưu.

“Nếu sai, tôi là người triển khai thì chịu trách nhiệm chứ không có đồng phạm. Nếu biết vi phạm thì ai dám thực hiện nữa, ai dám triển khai chủ trương sản xuất nhiên liệu sinh học thay thế, ai triển khai dịch vụ của tập đoàn mạnh lên?”, ông nói.

“Đảng, Chính phủ khuyến khích người dám nghĩ, dám làm. Tôi đề nghị trong phần trả lời, các vị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố trả lời cho tôi. Về vai trò trách nhiệm người đứng dầu, cáo trạng nói tôi là chủ tịch, là trưởng ban phải biết việc của cấp dưới. Tôi xin đối đáp, quy định nào nói người đứng đầu phải biết việc của cấp dưới”, ông Thăng tiếp tục tranh luận.

Cựu lãnh đạo PVN đồng tình quan điểm của các luật sư đánh giá nguyên nhân dự án dừng hoạt động do chủ đầu tư không tiếp tục chi tiền vì dự án sẽ không có lãi.

Về cáo buộc, bị cáo biết năng lực của PVC không thi công được dự án, ông Thăng nói: “Tôi ở vị trí xa tít, không có trách nhiệm phải biết thì lại bị buộc phải biết và phải chịu trách nhiệm hình sự về việc này”.

Bị cáo Thăng cũng cho rằng, cáo trạng quy buộc ông phải biết việc làm của cấp dưới hoặc những người ở PVB, vốn không là thành viên của PVN là không chính xác. “La”, “thăng” là nốt nhạc thật nhưng cả bản nhạc không chỉ có “la, thăng”. Cáo trạng chỗ nào cũng thấy Đinh La Thăng chỉ đạo, đây là bản cáo trạng chứ không phải bản nhạc. Các cụ nói rồi, lời nói đọi máu và cáo trạng mỗi từ mỗi câu đều là tù tội, là tiền bồi thường”, bị cáo gay gắt.

Chiều nay, phần tranh tụng tiếp tục...

2 tháng 3, 2021

Bộ Ngoại giao Mỹ có ý gì trong Báo cáo nhân quyền 2020?


Trong báo cáo nhân quyền năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ mở hẳn mục lên án Việt Nam “Tước đoạt sinh mạng tùy tiện và giết người trái luật hoặc vì động cơ chính trị”, trong đó đưa ra dẫn chứng như sau:

“Đã có các báo cáo cho thấy các quan chức hoặc nhân viên khác dưới sự chỉ huy của Bộ Công an hoặc cơ quan công an cấp tỉnh đã giết những người chống đối một cách tùy tiện hoặc trái pháp luật. Có báo cáo về ít nhất 8 vụ chết người khi đang bị giam giữ, trong đó nhà chức trách thông báo ít nhất 3 trường hợp trong số đó là do tự tử hoặc do các vấn đề về sức khỏe và một trường hợp là do bị bạn tù đánh chết. Đôi khi nhà chức trách đã sách nhiễu và hăm dọa những gia đình chất vấn công an về việc xác định nguyên nhân cái chết. Trong một số ít trường hợp, chính quyền đã truy cứu trách nhiệm đối với các cán bộ công an, thường là vài năm sau khi nạn nhân chết. Mặc dù đã có hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về truy cứu các cán bộ công an làm chết người bị giam giữ về tội giết người, các cán bộ này thường chỉ bị truy cứu với tội nhẹ hơn. Công an đã tiến hành các cuộc điều tra nội bộ để xác định các vụ chết người khi đang bị giam giữ có lý do chính đáng hay không.

Ngày 9 tháng 1, một lực lượng lớn công an có vũ trang thuộc Bộ Công an và công an thành phố Hà Nội đã bao vây xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Vào sáng sớm, họ đột kích nhà của ông Lê Đình Kình, một người cao tuổi ở địa phương đã lãnh đạo dân làng nhiều năm chống lại việc thu hồi 145 héc ta đất nông nghiệp để xây dựng một công trình quân sự mới. Trong cuộc đột kích đó, công an và những người dân có vũ trang đã đụng độ với nhau bằng bạo lực, dẫn đến cái chết của 3 cán bộ công an và ông Lê Đình Kình. Các nhân chứng, trong đó có vợ của ông Kình, nói rằng công an đã ném lựu đạn hơi cay vào nhà khi gia đình đang ngủ và bắn ông Kình chết tại chỗ. Các nhà hoạt động nhân quyền bày tỏ sự nghi ngờ về tính hợp pháp của cuộc đột kích cũng như về các báo cáo chính thức của công an rằng ông Kình được vũ trang bởi lựu đạn cầm tay, trong khi ông cụ 84 tuổi này bị khuyết tật (xem thêm mục 1.c và

Về những quy kết trên, cho ta thấy:

Thứ nhất, tìm hiểu qua báo chí Việt Nam, có thể thấy hầu như những trường hợp chết trong thời gian tạm giam, tạm giữ, cải tạo hoặc tử tù đều được báo chí đưa tin, xem đây như là những cái chết cần được điều tra, làm rõ. Pháp luật Việt Nam quy định cũng như thực tế các vụ việc phía ngành công an đều giao cho cấp cao hơn điều tra, làm rõ vụ việc. Như vậy về góc độ thông tin báo chí và thủ tục điều tra những cái chết này đều rất dễ dàng theo dõi kết quả, những trường hợp người thân nghi ngờ theo kiện đều được báo chí phản ánh và cơ quan thụ lý điều tra trả lời. Cách thức và quy trình giải quyết những vụ việc này minh bạch như thế không thể được xem là “Tước đoạt sinh mạng tùy tiện và giết người trái luật” được. Đây là sự quy kết lấy được và tùy tiện đến mức khó hiểu!

Còn đề cập đến chủ đề cảnh sát giết dân thường trên đường phố và trại giam thì cảnh sát Mỹ luôn đứng đầu thế giới. Con số truyền thông Mỹ thống kê, đã có hơn 1000 vụ cảnh sát Mỹ giết dân kể từ sau vụ Goerge Floyd bị giết. Còn kết quả điều tra những cái chết của thường dân gây ra bởi cảnh sát Mỹ còn thực sự là vấn nạn hơn rất nhiều. Không phải tự nhiên mà phong trào BLM đẩy nước Mỹ rơi vào hỗn loạn thời gian dài như vậy, và không tự nhiên dân Mỹ đòi giải tán cảnh sát dữ dội đến thế, nhất là cộng đồng dân da đen. Nếu theo đúng ngôn từ và cách quy kết, chụp mũ trong báo cáo nhân quyền này, thì hẳn Việt Nam nên gọi cảnh sát Mỹ là “thảm sát thường dân Mỹ tùy tiện, trái luật”!?!

Thứ hai, vụ án Đồng Tâm và cái chết của Lê Đình Kình được báo cáo này mô tả bóp méo hoàn toàn bản chất sự việc khi chỉ cắt khúc diễn biến vụ án theo đúng như lời vu cáo của thân nhân Lê Đình Kình và các đối tượng chống Nhà nước Việt Nam xuyên tạc, lờ đi thực tế rằng, (1) băng nhóm Lê Đình Kình từng bắt giam vô cớ, dọa giết 38 cán bộ, chiến sỹ công an; (2)nhiều năm liên tục lên mạng đe dọa giết hại cán bộ, công an vào giải quyết vụ việc chiếm đất quốc phòng ở Đồng Tâm; (3) tàng trữ nhiều lựu đạn, bom xăng, vũ khí và tuyên bố trước vụ công an vào trấn áp rằng sẽ giết cán bộ chiến sỹ công an và tấn công trước các chiến sỹ công an, cố ý đổ xăng, giết hại 3 chiến sỹ công an một cách dã man, công an kêu gọi băng nhóm này dừng tấn công lực lượng chức năng trước khi thực sự dùng bạo lực…Từ cách thức xử lý vụ việc hoàn toàn nhân đạo, nhân văn gấp ngàn lần so với quy trình cảnh sát Mỹ được quyền “tự vệ, nổ súng giết dân” thoải mái, hợp pháp ở Mỹ. Ở Mỹ, cảnh sát chỉ cần kêu gọi dân giơ tay, nếu có bất kỳ biểu hiện chống trả, không tuân thủ mệnh lệnh nào và khiến cảnh sát nghi ngờ chống cự, lập tức cảnh sát được quyền nổ súng, giết ngay tức khắc!

Chỉ qua việc đối chiếu giữa hiện thực và cách cảnh sát Việt Nam hành xử với dân chúng có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã cho thấy sự cách xa một trời một vực về tôn trọng, bảo vệ mạng sống của công dân giữa 2 nước. Có vẻ như cảnh sát Mỹ không lo nước nào khác “báo cáo nhân quyền” về họ, ngoại trừ sự bất bình lên đến phẫn nộ và bất lực từ chính dân chúng Mỹ? Cách báo cáo nhân quyền Mỹ “bới bèo ra bọ”, tìm hiểu, thủ thập cả năm ở Việt Nam mới có 8 vụ nghi phạm, tử tù, tù nhân bị chết trong lúc giam giữ và vụ Đồng tâm đã điều tra, xử lý công khai minh bạch để quy kết công an Việt Nam “tước đoạt sinh mạng tùy tiện” càng khiến bất cứ ai biết đọc/hiểu và tư duy càng thấy lố bịch, khôi hài!

Hải Phòng: Chủ tịch xã ở An Lão bị kiểm tra vì dấu hiệu dùng bằng giả

Ngày 1/3, lãnh đạo huyện ủy An Lão (TP Hải Phòng) cho biết, cơ quan kiểm tra Đảng của huyện đã thực hiện việc kiểm tra dấu hiệu dùng bằng giả để được tiếp nhận vào làm việc tại ủy ban xã đối với ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức.

Theo xác minh ban đầu từ cơ quan chức năng, ngày 19/10/2010, Chủ tịch UBND huyện An Lão có văn bản đề nghị UBND xã Mỹ Đức tiếp nhận, ký hợp đồng với ông Phạm Văn Hùng (ông Hùng sinh ngày 29/10/1971, trú tại xã Mỹ Đức, huyện An Lão) làm công chức văn hóa xã.

Theo văn bản đề xuất từ UBND huyện An Lão, ông Phạm Văn Hùng đã được cơ quan chức năng của huyện An Lão xác minh có trình độ nghiệp vụ Trung cấp ngành văn hóa thông tin.

Từ đề xuất của UBND huyện An Lão, ông Hùng được UBND xã Mỹ Đức tiếp nhận vào làm cán bộ bộ phận văn hóa thông tin, sau đó được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức.

Theo xác minh thu thập được, khi làm thủ tục xin việc, ông Phạm Văn Hùng xuất trình cho cơ quan chức năng huyện An Lão, cho UBND xã Mỹ Đức một bằng tốt nghiệp chuyên ngành văn hóa, thông tin, hệ tại chức, thời gian học từ 2003 - 2005 do trường Đại học Hải Phòng cấp.

Trao đổi với các cơ quan truyền thông, ông Hùng cho biết, việc học đã lâu, không nhớ theo học ngành học nào, học ở đâu, học với ai ….

Ngược lại, PGS.TS Bùi Bá Khiên, Trưởng Phòng đào tạo, Trường Đại học Hải Phòng có văn bản trả lời các cơ quan truyền thông về tấm bằng có trong hồ sơ của ông Phạm Văn Hùng hết sức rõ ràng.

Theo Phòng Đào tạo, Trường ĐH Hải Phòng, trường này không đào tạo chuyên ngành văn hóa thông tin, trình độ trung cấp, hình thức vừa học vừa làm (hệ tại chức) như trong hồ sơ vụ việc; Trường ĐH Hải Phòng cũng không cấp bằng tốt nghiệp hệ tại chức với số bằng như trong hồ sơ cho cho người có tên Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1971.

PGS.TS Bùi Bá Khiên cho biết thêm, từ trước đến nay, trường ĐH Hải Phòng không có mã ngành học này, Hơn nữa, tại thời điểm ký bằng tốt nghiệp, năm 2005 như trên tấm bằng này, hiệu trưởng nhà trường là một lãnh đạo khác, không phải người có tên trong tấm bằng giả này. "Nhìn qua cũng biết đây là tấm bằng giả".

Vị lãnh đạo huyện An Lão cho biết thêm, sau khi có kết luận chính thức, tùy vào mức độ vi phạm, huyện ủy, UBND huyện sẽ có hình thức kỷ luật thích đáng với người sử dụng giấy tờ giả.

Hải Phòng, Hà Nội... được mua vắc xin ngừa COVID-19 theo phương thức xã hội hóa

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với đề xuất của một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng… về việc mua vắc xin ngừa COVID-19 theo phương thức xã hội hóa

117 liều vắc xin COVID-19 sau khi thông quan vào sáng 24/2 sẽ được đưa về bảo quản ở kho lạnh âm sâu đạt tiêu chuẩn duy nhất của VNVC ở TPHCM- ảnh N.L 

Ngày 25/2, VPCP có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết của Chính phủ về việc mua, sử dụng vắc xin COVID-19.

Bộ Y tế cũng được giao chịu trách nhiệm về việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận, phân phối vắc xin bảo đảm kịp thời, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nhanh chóng tổ chức tiêm vắc xin, trước hết cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục rà soát, thúc đẩy đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó quán triệt tinh thần chủ động, tích cực, không chủ quan, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tại Hải Dương, Hải Phòng và sớm xử lý dứt điểm các ổ dịch hiện có.

Liên quan đến đề xuất của một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng… về việc mua vắc xin theo phương thức xã hội hóa, Thủ tướng đồng với việc này và giao Bộ Y tế hướng dẫn kịp thời, cụ thể.

Để bảo đảm việc vận chuyển hàng hóa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế ban hành ngay quy chế bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong hoạt động vận tải qua lại, đi đến vùng, khu vực, địa điểm có dịch, nhất là tại địa bàn kinh tế trọng điểm như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành ngay quy trình về thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch.

1 tháng 3, 2021

'Nghệ thuật' giúp trẻ không khóc lóc khi trở lại trường sau thời gian dài nghỉ học

Nhiều gia đình lo ngại trẻ mầm non sẽ quấy khóc, đu bám bố mẹ vào ngày trở lại trường. Tuy nhiên, bố mẹ có thể chủ động giải tỏa tâm lý 'ngại' đi học cho con.

Trong tuần này, trừ Hải Dương, Hải Phòng thì hầu hết học sinh mầm non, phổ thông trên cả nước sẽ quay trở lại trường học. Tại Hà Nội, học sinh trở lại trường học từ ngày 2/3, sinh viên, học viên trở lại trường từ ngày 8/3.

Vấn đề đặt ra với nhiều gia đình là tình trạng trẻ mầm non khóc lóc, mè nheo không chịu đến trường sau một thời gian dài nghỉ học. Vậy bố mẹ cần làm gì để con đến trường với tâm thế vui vẻ nhất?

Chị Hương Liên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự, để chuẩn bị cho con đến trường, hai vợ chồng chị đã làm công tác tư tưởng cho con trước 2 ngày nhưng đứa trẻ 3 tuổi vẫn thích ở nhà với ông bà hơn là đi học.

“Chắc chắn hôm đi học cháu sẽ vẫn thực hiện một “combo”: Sáng dậy không chịu rửa mặt, không chịu mặc quần áo, đi giày dép. Đến trường thì đầu ôm cổ, giằng áo bố mẹ gào khóc… Sau mỗi lần nghỉ dài ngày việc đau đầu nhất là con đi học khóc lóc ầm ĩ”, chị Liên dự đoán.

Câu chuyện của nhà chị Liên chắc chắn không phải là cá biệt. Thực tế cho thấy, sau kỳ nghỉ dài với những ngày vui chơi tự do bên gia đình, hầu hết các cháu học sinh đều có tâm lý uể oải, không tập trung, không muốn đến trường.

Tùy lứa tuổi, khối lớp, học sinh thể hiện trạng thái tâm lý khác nhau thì bố mẹ và giáo viên nên dùng những phương pháp khác nhau để trẻ có tâm thái tốt nhất những ngày đầu quay lại trường để các con có những tiết học vui, hiệu quả.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Anh (ĐH Sư phạm Hà Nội), với các bé mầm non, nhà trẻ thì bố mẹ và cô giáo vất vả hơn nhiều trong những ngày đầu quay lại trường. Sau kỳ nghỉ dài, các con không thích đến lớp, nhiều bé còn tỏ ra phản kháng mạnh bằng việc nằng nặc khóc và không đi học là điều bình thường

“Quan trọng là phụ huynh chuẩn bị tâm lý trước ngày đến trường cho con, đưa con đến lớp với sự tự tin, vui vẻ… làm sao để trẻ thấy thích thú với việc gặp lại bạn, gặp lại cô giáo.

Mẹ có thể kể lại cho con những người bạn thân của con ở lớp đang mong con, kể cho con nghe đến lớp con sẽ được chơi trò chơi cùng bạn, xếp đồ chơi hay những thói quen mà con thích được làm nhất ở trường”, chuyên gia Phương Anh nói.

Ngoài ra, trước khi đi học 2 ngày, bố mẹ tập lại thói quen cho các con đi ngủ sớm, thức dậy sớm, ăn sáng cũng sớm hơn. Trẻ lớn hơn xíu thì bố mẹ nên dặn con việc rửa tay đúng cách, đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần với người khác, hạn chế chạy nhảy lung tung.

“Ở lớp thì đòi hỏi cô giáo phải dỗ dành, tập lại các thói quen hàng ngày cho trẻ để con thích ứng lại từ từ, tuyệt đối không đánh mắng hay dọa nạt. 

Nếu cần, giáo viên nên thực hiện tiết học kể chuyện, xếp đồ chơi, đưa vào nếp sinh hoạt để trẻ yêu thích lại việc đến trường trước rồi bắt nhịp vào chương trình học chứ giáo viên đừng quá cứng nhắc theo chương trình sẽ khiến các con có tâm thế sợ đến trường vào những ngày hôm sau”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Anh nói.

V-League 2021: Nhiều sân thi đấu kịp tu sửa, sẵn sàng cho ngày trở lại

Những vòng đấu đầu tiên của V-League 2021 vào hồi cuối năm 2020 chứng kiến nhiều mặt sân thi đấu không đảm bảo chất lượng như Thiên Trường, Thanh Hóa và Lạch Tray. Các sân này có mặt sân thi đấu xấu, gồ ghề, khó thoát nước và mặt cỏ xơ xác, không đảm bảo.

Đáng chú ý, sân Lạch Tray xuống cấp tệ nhất với hàng loạt hạng mục không đảm bảo tiêu chí phòng cháy chữa cháy để tổ chức trận đấu. Thậm chí, dưới phần sân thi đấu tại đây, nhiều khu vực còn được sử dụng để trồng rau và chăn nuôi.

Hiện tại, những tồn tại trên đều đã được khắc phục. Tranh thủ thời gian V-Leageue 2021 nghỉ do dịch COVID-19, các sân có mặt cỏ xấu đều đã tranh thủ cải tạo và nâng cấp.

Theo đơn vị điều hành giải V-League, hiện hai sân Thanh Hóa và Lạch Tray đã cơ bản hoàn thiện những phần quan trọng để đáp ứng được yêu cầu thi đấu chuyên nghiệp.

Trong khi đó, V-League 2021 cũng có thêm một sân vận động đẹp nữa sau thời gian dài tu sửa. Sân Quy Nhơn đã gần như hoàn thiện sau 3 tháng thi công. Mặt cỏ thi đấu, các phòng chức năng, dàn đèn chiếu sáng và khán đài được tân trang và đảm bảo. Đặc biệt, mặt cỏ của sân đấu này được xếp loại đẹp bậc nhất Việt Nam.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), ông Nguyễn Minh Ngọc cho biết: “Sân Quy Nhơn báo cáo đã sửa chữa xong, hình ảnh rất đẹp. Trong tuần tới, Ban tổ chức V-League sẽ đi kiểm tra lần cuối cùng.”

Sau khi được nâng cấp, câu lạc bộ Bình Định sẽ ngay lập tức sử dụng sân Quy Nhơn cho các trận đấu tại V-League. Theo thông tin từ đội bóng này, trận đấu với SHB Đà Nẵng ngày 19/3, đoàn quân huấn luyện viên Nguyễn Đức Thắng sẽ thi đấu trên sân nhà thay vì đá nhờ sân 19-8 của tại Nha Trang như trước.

V-League 2021 dự kiến trở lại ngày 13/3 sau thời gian dài nghỉ vì dịch COVID-19. Việc các sân đấu hoàn thiện và sẵn sàng tổ chức giải là tin vui với sân chơi chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Bên cạnh sân thi đấu, V-League 2021 cũng nhiều khả năng đón thêm tin vui từ việc được phép mở cửa đón khán giả.

Đại diện VPF, ông Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ: “Trong việc mở cửa cho khán giả tới sân, chúng tôi để Ban tổ chức trận đấu của địa phương linh hoạt quyết định tuỳ theo tình hình dịch. Bốn ngày trước khi trận đấu diễn ra, họ phải thông báo để Ban điều hành giải kiểm tra, theo dõi dù có cho khán giả vào sân hay không. Ai cũng mong muốn cổ động viên có thể vào sân để các trận đấu sôi động, hấp dẫn hơn. Nhưng vấn đề an toàn cần đặt lên hàng đầu.”

Dự kiến, sân Lạch Tray và Cẩm Phả chắc chắn đóng cửa ở trận đấu giữa Hải Phòng-Hà Nội FC và Quảng Ninh-CLB TP.HCM. Còn hai cặp đấu SHB Đà Nẵng-Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và Hoành Anh Gia Lai-Bình Định nhiều khả năng đón khán giả./.